Thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng tại Trung Quốc đang bùng nổ, tăng gần gấp đôi vào năm ngoái, lên 17,3 tỷ USD, khi nhiều người muốn sở hữu hàng hiệu như túi Chanel, Louis Vuitton... nhưng không sẵn sàng chi hàng nghìn USD. Những món đồ cũ cho phép họ thoả mãn việc mua sắm nhưng với mức giá vừa tầm hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là "thiên đường" của hàng giả khiến những người mua hàng hiệu cũ dễ bị sập bẫy.
Zhang Chen, người sáng lập Extraordinary Luxuries Business School có trụ sở ở Bắc Kinh nhấn mạnh, hàng nhái ngày nay rất ít khác biệt so với bản gốc. Zhang đang cung cấp một khoá học kéo dài 7 ngày với mức giá 15.800 NDT (khoảng 2.440 USD) giúp người tiêu dùng có khả năng phân biệt hàng thật-giả. Nói về học phí, anh cho rằng mức giá này là xứng đáng và thực tế cho thấy lớp học đã có chỗ đứng trên thị trường.
"Lớp lót của một chiếc túi Chanel màu đen phải có màu hồng", Zhang giảng giải trong khi các học viên của anh đang kiểm tra một chiếc thẻ mã số túi dưới ánh đèn tia cực tím đặc biệt. "Hai chữ cái sẽ sáng lên và đó là điểm mấu chốt", anh nói.
Zhang cũng bật mí, việc phân biệt được những chữ cái nào trong logo Chanel sử dụng phông chữ hình chữ nhật hay hình vuông cũng có thể phát hiện ra một phần ba số hàng giả trên thị trường.
Các học viên của anh đa phần là những người giàu có, đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ một cựu biên tập viên của một tạp chí thời trang ở Thượng Hải đến một bartender (người pha chế rượu) tìm kiếm cơ hội mới sau khi công việc cũ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
"Tôi nhận ra những chiếc túi hàng hiệu đã qua sử dụng có thể được bán với giá rất tốt," Xu Zhihao, 31 tuổi, nhân viên giao dịch chứng khoán tham gia khoá học nói. Xu cho biết có sự tương đồng giữa logic bán hàng hiệu qua sử dụng với các sản phẩm tài chính mà cô đang bán.
Một chiếc túi xách Louis Vuitton Neverfull mua cách đây 2 năm vẫn có thể được bán với giá 9.000 NDT trên các nền tảng mua bán đồ cũ, trong khi một chiếc túi kích cỡ nhỏ của Chanel Gabrielle được bán ra với giá bằng 60-70% hàng mới.
Zhang nói rằng trong hầu hết trường hợp, anh mất khoảng 10 giây để biết sản phẩm có phải là thật hay không. Một số khách hàng đã gửi cả hình ảnh để anh có thể thẩm định trực tuyến.
Nhiều hãng thời trang xa xỉ hiện đã áp dụng công nghệ cao giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc hàng hoá, ví dụ như nền tảng blockchain có tên gọi là Aura của Louis Vuitton, con chip được lắp vào đế giày của thương hiệu Salvatore Ferragamo (Italia)... Dù vậy, Zhang đánh giá những điều này không đe doạ đến công việc của mình.
"Bất cứ công nghệ nào cũng có khả năng bẻ khoá", anh nói và nhấn mạnh, thị trường thẩm định sản phẩm xa xỉ sẽ luôn tồn tại, chỉ là các phương pháp sẽ phải thích ứng.
Đức Minh (Theo AFP)