Người dân Trùng Khánh và tỉnh Tứ Xuyên lân cận, những địa phương nổi tiếng với món lẩu cay, đang tìm đến những nhà hàng lẩu đặc biệt trong các boongke trú ẩn từ thời chiến, do nhiệt độ dưới lòng đất thấp hơn đáng kể.
Người dân địa phương thường gọi đây là nhà hàng "lẩu hang động". Một số được trang trí giống hang động tự nhiên, số khác còn có tranh vẽ máy bay từ thời Thế chiến II. China Daily đưa tin nhiệt độ tại một nhà hàng "lẩu hang động" là 16 độ C, so với mức 42 độ C ở ngoài trời.
"Chúng tôi trốn nóng trong những hầm trú ẩn", Đường Vinh Cương nói khi ăn lẩu tại nhà hàng ở Trùng Khánh ngày 25/8. "Ở đây mát mẻ, rất tuyệt vào mùa hè".
Trùng Khánh, thành phố trực thuộc trung ương ở tây nam Trung Quốc, đang là thành phố nóng nhất đất nước với nhiệt độ ban ngày lên tới hơn 40 độ C. Nhiều người dân ngồi nghỉ la liệt ở các siêu thị, trung tâm thương mại và ga tàu điện ngầm để tránh nóng.
Điều hòa không khí chiếm hơn một nửa nhu cầu tiêu thụ điện, cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty điện lực của thành phố. Nhu cầu điện dân dụng tăng đột biến nhưng hạn hán làm khô hạn nhiều nhánh sông Trường Giang, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất thủy điện ở khu vực mà nguồn năng lượng này chiếm hơn 80% sản lượng điện.
Giới chức Trùng Khánh đã thực hiện cắt điện luân phiên với các nhà máy và doanh nghiệp để đảm bảo điện cho khu vực dân cư. Nhà máy phải đóng cửa, trung tâm thương mại chỉ được phép mở cửa 5 tiếng một ngày, bắt đầu từ 16h. Đèn đường bị tắt bớt.
Các văn phòng chính quyền ở Tứ Xuyên được yêu cầu giữ mức nhiệt độ điều hòa không thấp hơn 26 độ C. Để thực hiện điều này, một số công ty đã sử dụng những khối nước đá lớn để làm mát văn phòng.
Các nhà khí tượng học Trung Quốc nhận định biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan năm nay, cảnh báo những đợt nắng nóng tương tự có thể xuất hiện thường xuyên hơn.
Đức Trung (Theo BBC, Taipei Times)