Trong đời sống người Tày, loại văn học truyền miệng chiếm vị trí quan trọng nhất với các thể loại như thần thoại, cổ tích, truyện cười. Dân ca người Tày gồm lượn, thơ lẩu và hát Then. Người Tày có nhiều làn điệu dân ca như lượn, phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng.

Một tiết mục hát then của người Tày. Ảnh: Báo Tuyên Quang
Cùng với điệu hát Then, chiếc đàn tính là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cây đàn tính gồm ba bộ phận chính: bầu vang, cần đàn và dây đàn. Bầu vang là bộ phận tăng âm được làm bằng nửa quả bầu khô. Vì vậy, kích thước phụ thuộc vào quả bầu lớn nhỏ khác nhau. Để có độ vang, âm sắc chuẩn, người ta thường chọn quả bầu tròn và dày đều.
Cần đàn được làm bằng gỗ, có một đầu xuyên qua bầu vang, đầu còn lại được uốn cong hình lưỡi liềm gọi là đầu đàn. Một cây đàn tính hát Then thường có ba dây, tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước.
Lê Nam (tổng hợp)