9h sáng triển lãm mới mở cửa nhưng nhiều người dân quan tâm đến dự án thành phố bên sông đã có mặt từ khá sớm. Bãi gửi xe bên ngoài Cung thể thao Quần Ngựa nhanh chóng hết chỗ với lượng người đổ về liên tục.
Bên trong khu triển lãm, ngay từ lúc mở cửa, không khí lập tức "nóng" lên bởi sự bàn tán, tranh luận của người xem. Với 6 khu vực chức năng được bố trí liền kề người xem có thể tìm thấy hầu hết thông tin mình quan tâm.
Mô hình tổng thể dự án thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Nhiều người có nhà nằm trong khu quy hoạch nhanh chóng nhận ra vị trí ngôi nhà mình trong mô hình tổng thể nằm ở trung tâm triển lãm. Đây cũng là vị trí thu hút được nhiều nhất sự quan tâm của mọi người.
Trầm ngâm quan sát từ đầu đến cuối các khu vực quy hoạch của thành phố trải dài 40 km ven sông, anh Trương Minh Thành (phường Thụy Khuê, Tây Hồ) tỏ vẻ hài lòng trước mô hình dự án. Theo anh Thành, so với lần triển lãm trước, lần này không gian trưng bày được bố trí tốt và chi tiết hơn.
"Thông tin, số liệu được cung cấp khá đầy đủ. Nếu thực hiện dự án được như quy hoạch thì tốt quá, chỉ e thực tế không được đẹp như các kiến trúc sư 'vẽ' ra vì khu vực này phức tạp cả về dân cư lẫn địa hình, địa chất", anh Thành nhận xét.
Đồng tình với ý kiến này, bác Nguyễn Thế Nam (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: "Tôi đã đi khá nhiều nước và chưa thấy thành phố nào vắt qua sông lại nhếch nhác như Hà Nội của mình. Nhiều người bạn tôi đến cầu Chương Dương vẫn còn hỏi đã đến Hà Nội chưa vì không nghĩ rằng thủ đô lại có một khu vực xập xệ như vậy".
Theo bác Nam, thông tin tại triển lãm này đã phần nào thuyết phục được mọi người, vấn đề là sau đó những bước đi để cụ thể hóa dự án sẽ như thế nào.
Nhiều hình ảnh sinh động khiến người xem khá thỏa mãn. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Cũng như lần triển lãm trước tại Trung tâm triển lãm Tràng Tiền, sau một vòng tham quan, vị trí giành được sự quan tâm, tranh luận nhất của người dân là bảng thông tin về quy hoạch di dân - tái định cư và kế hoạch chỉnh trị dòng sông, kè đê đảm bảo an toàn cho thành phố.
Suy nghĩ rất lâu trước khi điền vào phiếu thăm dò ý kiến, chị Phạm Hồ Điệp (phường Tứ Liên, Tây Hồ) cho biết, vị trí nhà chị hiện nay theo như quy hoạch sẽ là khu công viên. "Nếu thành phố mình chỉnh trị được sông Hồng, xây được đô thị đẹp như thế này thì con cháu đời sau sẽ rất hạnh phúc", chị Điệp hào hứng nói.
Tuy nhiên, điều băn khoăn còn lại của chị là nếu tiến hành, việc đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện như thế nào, bao giờ những gia đình nằm trong diện giải tỏa có được thông tin cụ thể... "Theo tôi biết, việc này không hề đơn giản, vì nó liên quan đến hàng vạn dân, mà thành phố mình thì chưa bao giờ làm chưa tốt khâu này cả", chị Điệp lo lắng nói.
Thiếu chỗ đặt giấy nên việc góp ý của người dân khá bất tiện. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Còn anh Bùi Văn Trường (phường Phú Thượng, Tây Hồ) lại quan tâm đến việc quy hoạch đô thị. Theo anh, việc chỉnh trị, nắn dòng sông và di dời, tái định cư là nhiệm vụ của các chuyên gia, nhà đầu tư. Anh Trường nhận xét, với quy hoạch này Hồ Tây sẽ trở thành trung tâm thủ đô. Tuy nhiên, ở khu vực này sẽ rất khó giải tỏa diện tích người dân lấn chiếm để tạo một không gian xứng tầm.
"Việc làm con đường chạy bộ, tạo cảnh quan quanh Hồ Tây đáng lẽ phải làm từ cách đây rất lâu rồi, để đến bây giờ thì khó mà khả thi", anh Trường nói.
Triển lãm Thành phố bên sông Hồng mở cửa miễn phí từ 9h -17h hàng ngày, trừ Chủ nhật, các ngày lễ lớn và dự kiến kéo dài trong suốt một năm.
Trong đợt triển lãm tháng 9/2007, Ban tổ chức đã nhận được hơn 2.500 ý kiến đóng góp của người dân. Trong đó, số người đồng tình chiếm tỷ lệ 92% nhưng còn e ngại về khả năng phòng chống lũ lụt của hệ thống đê; 73% ý kiến cho rằng cần có quy hoạch phát triển tổng hợp sông Hồng. |
Nguyễn Hưng