- Ngày 28/5 Thanh tra Chính phủ có cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục. Ông đánh giá thế nào về những tiêu cực trong lĩnh vực này?
- Những năm qua, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đặc biệt là phong trào "ba không", bước đầu tình hình cũng đã chuyển biến. Nhưng chuyển biến chưa mạnh và chưa đủ liều lượng để có thể nói rằng ngăn ngừa được tiêu cực, tham những trong lĩnh vực này. Ví dụ việc chạy trường, ngoài tiền bạc, có nhiều hình thức tác động khác như sử dụng các mối quan hệ...
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Ảnh: PV.
- Vừa qua, thầy giáo Đỗ Việt Khoa - một trong những tấm gương chống tiêu cực đã xin ra khỏi ngành vì cảm thấy bất lực trước thực trạng tiêu cực trong chính trường ông ấy đang dạy. Là Tổng thanh tra, ông suy nghĩ gì?- Đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực là công việc gian nan, khó khăn, cho nên, điều thứ nhất là phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng này thì đó là có lợi cho cái chung.
Ngay như bản thân tôi, khi đã thanh tra, kết luận chỗ này, chỗ khác thì ít hay nhiều cũng sẽ bị tổn thương về mặt tình cảm, quan hệ ứng xử với nhau. Trước điều đó, chúng ta phải có bản lĩnh, đã dấn thân thì phải có sự hy sinh.
Trường hợp của thầy Khoa, tôi nghĩ rằng, có thể thầy Khoa đang thấy có những vấn đề tác động và làm tổn thương đến mình nhiều quá, thế nhưng việc sửa những vấn đề tiêu cực thì thấy vẫn chưa được nhiều. Cho nên thầy Khoa có thể thấy khó và xin chuyển ngành để đỡ phải dấn thân, để đỡ phải đương đầu. Đây cũng là một cách xử sự.
Đảng và Nhà nước đang khuyến khích chống tham nhũng và chúng ta phải bắt đầu từ các cá nhân. Tham những cũng diễn ra trong từng cá nhân, và người chống tham nhũng cũng phải có hành động ở từng cá nhân. Nếu hô hào, bảo chống tham nhũng mà không ai dám làm gì, đặc biệt, khi làm rồi bị tổn thương, chúng ta chùn chân, không dám làm nữa thì chẳng ai chống được.
"Người đương thời" Đỗ Việt Khoa đã quyết định xin nghỉ việc. Ảnh: Tiến Dũng.
- Ông có suy nghĩ gì về cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người chống tham nhũng?
- Hiện nay, chúng ta chưa có một cơ chế đầy đủ, rõ ràng để bảo vệ những người có công, có thành tích hoặc là có hành động dũng cảm dám tố cáo hoặc dám chống tham nhũng, chống tiêu cực. Nhưng trong Luật Khiếu nại tố cáo cũng cấm các hành vi trả thù, trù dập, trả đũa hoặc thậm chí khống chế những người dám tố cáo.
Do đó, vấn đề ở chỗ chúng ta phải thực hiện các luật cho nghiêm, rồi sau đó mới bổ sung bằng những cơ chế tích cực hơn. Tức là những người có hành động tích cực, hành động tốt, được tổ chức xác nhận thì chúng ta vừa phải khen thưởng, vừa phải bảo vệ họ. Nếu trong trường hợp họ bị trù dập thì phải có cơ quan chức năng xem xét và xử lý đến cùng việc đấy để bảo vệ.
Hiện nay, như chúng ta biết, các hành vi trả thù và trù dập rất phức tạp, rất tinh vi. Có ai dám đứng ra nói rằng tôi trả thù anh này, anh kia. Thế nhưng đây đó, bằng cách này, cách khác người ta có thể trả thù. Mà việc trả thù đó, hoặc chúng ta chưa thấy, hoặc thấy rồi nhưng chưa có căn cứ để xử lý những người trả thù. Cho nên, trong cơ chế săp tới, những vấn đề này cần được quy định rõ.
- Nếu áp những điều này vào việc của thầy Khoa thì sao, thưa ông?
- Nếu thầy Khoa có bằng chứng cụ thể thì tôi nghĩ rằng các cơ quan của nhà nước sẽ có trách nhiệm. Riêng Thanh tra Chính phủ, chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm trong việc này.
- Với tư cách cá nhân, ông có lời nhắn nhủ gì đến thầy Khoa khi thầy giáo này đang ở trong tâm trạng buồn chán, hụt hẫng vì bị trù dập?
- Tôi nhắc lại, việc chống tiêu cực rất gian nan, vô cùng khó khăn và thậm chí có nguy hiểm nữa. Đây là vấn đề sống còn của đất nước, của chế độ và là vấn đề bức xúc của xã hội, của nhân dân. Do vậy, rất cần những con người dũng cảm, dám dấn thân, dám đương đầu.
Chính vì thế, tôi cũng khuyên mọi người nói chung và thầy Khoa nói riêng, nên bình tĩnh, kiên trì. Đặc biệt lúc này, thầy cần có những hành động dũng cảm hơn, tức là phải tìm được giải pháp để vừa bảo vệ được mình, vừa tiếp tục kiên trì với con đường chống tiêu cực, chống tham nhũng.
Năm 2006, lần đầu tiên trong ngành giáo dục, một giám thị dũng cảm đứng lên tố cáo những tiêu cực liên quan đến gian lận thi cử tại Hà Tây (cũ). Không lâu sau, tại Nghệ An, một thầy giáo khác cũng đưa ra những thước phim về cảnh loạn trường thi tại địa phương này. Cũng nhờ hành động dũng cảm của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, ngay trong năm 2006, Bộ GD&ĐT phát động phong trào "Hai không": Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử. Không lâu sau, thầy Khoa được làm khách mời của chương trình "Người đương thời" trên VTV3 Đài Truyền hình VN. Kể từ thời gian đó, dù liên tục bị đe dọa, nhưng thầy Đỗ Việt Khoa vẫn tiếp tục theo đuổi việc chống tiêu cực trong học đường tại địa phương. Tuy nhiên, sau 4 năm kiên trì chống tiêu cực, tháng 5/2010, thầy giáo Đỗ Việt Khoa quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do thầy giáo có 20 năm đứng trên bục giảng xin nghỉ việc là vì sự thờ ơ của Sở GD&ĐT Hà Nội trong việc giải quyết tiêu cực tại THPT Vân Tảo. Suốt 4 năm, thầy Khoa bị ép không hoàn thành nhiệm vụ, không được nâng lương, bị hiệu trưởng ngang nhiên đe dọa... |
Tiến Dũng ghi