Một quan chức quốc phòng Mỹ hôm nay cho biết quân đội Nga phóng hơn 160 tên lửa trong ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. "Phần lớn là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, ngoài ra có cả tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình", quan chức này cho biết.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng Moskva đã sử dụng lượng tên lửa dẫn đường nhiều chưa từng thấy với chủng loại đa dạng để mở đường cho các lực lượng khác tiến vào lãnh thổ Ukraine.
3M14 Kalibr
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết quân đội Nga đã phóng khoảng 30 quả đạn 3M14, biến thể tấn công mặt đất của tên lửa hành trình Kalibr, trong đòn tập kích mở màn chiến dịch. Đây là loại vũ khí từng được hải quân Nga sử dụng rộng rãi trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria và được coi là một trong những khí tài hiện đại, quan trọng nhất trong biên chế quân đội Nga.
Phiên bản 3M14 được trang bị hệ thống định vị bằng vệ tinh GLONASS và dẫn đường quán tính, cùng đầu dò radar ARGS-14E có tầm hoạt động 20 km để bám bắt các mục tiêu có độ phản xạ radar lớn.
Tên lửa sử dụng hệ thống đo độ cao và khớp ảnh địa hình, cho phép bay bám sát mặt đất để giảm thiểu khả năng bị phát hiện, khiến đối phương có ít thời gian phản ứng hơn. Mẫu 3M14 nội địa của Nga có tầm bắn 2.500 km và mang được đầu đạn nặng hơn 400 kg, đủ sức tấn công mọi mục tiêu ở Ukraine nếu phóng từ Biển Đen.
Loại tên lửa này có thể triển khai từ ống phóng thẳng đứng trên tàu mặt nước hoặc khai hỏa qua ống ngư lôi của tàu ngầm. Hạm đội Biển Đen hải quân Nga đóng tại bán đảo Crimea sở hữu nhiều chiến hạm có thể triển khai tên lửa 3M14, gồm ba tàu hộ vệ Đề án 11356M, bốn tàu tên lửa Đề án 21630, ba hoặc bốn tàu tuần tra Đề án 22160 có thể mang bệ phóng Kalibr dạng container, cùng 6 tàu ngầm Đề án 636.3, còn gọi là lớp Kilo cải tiến.
Tên lửa hành trình phóng từ máy bay
Giới chuyên gia quân sự chưa thể chắc chắn về khả năng máy bay Nga phóng tên lửa hành trình về phía Ukraine, nhưng một quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh đòn tấn công mở đầu chiến dịch của Nga đã huy động 75 oanh tạc cơ hạng nặng và cường kích.
Trong số này, bộ đôi oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS và Tu-160 có thể phóng nhiều loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất với tầm bắn lớn.
Vũ khí chủ lực của hai phi cơ này là tên lửa hành trình tàng hình Kh-101 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với đầu dò quang - điện tử, cũng như cập nhật vị trí và đường bay qua vệ tinh. Kíp lái oanh tạc cơ có thể thay đổi mục tiêu và đường bay quả đạn sau khi phóng. Tên lửa đạt tầm bắn tới 5.000 km, có khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn 5 m.
Tên lửa được trang bị một động cơ turbine phản lực, cho phép chúng bay hành trình với vận tốc 700 km/h, sau đó lao tới mục tiêu với tốc độ tối đa 970 km/h. Diện tích phản xạ radar chỉ 0,01 m2 cùng độ cao hành trình chỉ 30-70 m khiến Kh-101/102 rất khó bị phát hiện bởi những hệ thống cảnh giới mặt đất.
Mỗi quả Kh-101 được trang bị đầu đạn nặng 400 kg, bao gồm các loại nổ mạnh (HE), xuyên phá hoặc nổ chùm, trong khi Kh-102 sử dụng đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương 250.000 tấn thuốc nổ TNT.
Bên cạnh đó là tên lửa Kh-55 có khả năng bay bám địa hình ở độ cao cực nhỏ và cơ động liên tục để tránh bị phát hiện. Tên lửa có khả năng đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 2.500 km, mang được thêm hai thùng dầu phụ dọc thân để tăng tầm bắn lên gần 3.000 km. Một số tên lửa Kh-55 được Nga nâng cấp thành Kh-555, trang bị nhiều công nghệ giúp tăng khả năng xuyên phá lưới phòng không và độ chính xác cao gấp 5 lần mẫu nguyên bản.
Tên lửa đạn đạo Iskander-M
Các video chưa được kiểm chứng cho thấy hàng loạt tên lửa đạn đạo Nga phóng về phía Ukraine. Lầu Năm Góc ước tính khoảng 100 quả đạn đã được khai hỏa trong những giờ đầu xung đột.
Iskander là tên lửa một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, có chiều dài 7,2 m, đường kính 0,95 m, khối lượng phóng 3,8 tấn, tầm bắn tối đa 500 km, có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.
Điểm nổi bật của Iskander là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi quả đạn có tốc độ tối đa 9.350 km/h cùng tính năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực đánh chặn của đối phương.
Phiên bản Iskander-M còn được trang bị đầu dò quang - điện tử cùng liên kết dữ liệu với máy bay không người lái (UAV) hoặc phi cơ cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, cho phép tên lửa đánh trúng cả mục tiêu di động với sai số chỉ hai mét.
Tình báo Ukraine hồi tháng trước cho biết Nga đã triển khai ít nhất 36 bệ phóng tên lửa Iskander gần biên giới, đủ sức uy hiếp thủ đô Kiev và nhiều mục tiêu trong lãnh thổ nước này.
Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất Iskander-K
Tổ hợp tên lửa hành trình Iskander-K dùng chung xe chở đạn kiêm bệ phóng và phương tiện hỗ trợ với hệ thống Iskander-M.
Vũ khí chính của hệ thống này là đạn 9M728 có tầm bắn 500 km. Phiên bản cải tiến 9M729 có độ chính xác cao và đầu đạn lớn hơn, bị Mỹ cáo buộc có tầm bắn tới hơn 5.000 km, trong khi Nga khẳng định nó chỉ có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 480 km.
Tên lửa diệt radar Kh-31P
Hình ảnh tại thủ đô Kiev hôm 24/2 cho thấy phần còn lại của một tên lửa siêu thanh phóng từ máy bay Kh-31, dường như là phiên bản diệt radar Kh-31P.
Tên lửa Kh-31 được Liên Xô phát triển từ cuối thập niên 1970 với mục tiêu cho ra đời vũ khí diệt radar có thể đối phó với những khí tài tối tân của Mỹ khi đó như tổ hợp phòng không Patriot và lá chắn Aegis.
Nguyên mẫu Kh-31 đầu tiên được phóng thử năm 1982 và đưa vào biên chế sau đó 6 năm. Phiên bản hoàn chỉnh đầu tiên mang đầu dò thụ động chuyên diệt radar mang định danh Kh-31P, tiếp đó là biến thể chống hạm với đầu dò radar chủ động được gọi là Kh-31A. Cả hai phiên bản được công khai năm 1991, không lâu trước khi Liên Xô tan rã.
Mọi biến thể Kh-31 đều dùng tầng đẩy sơ cấp để đạt tốc độ vượt âm, sau đó kích hoạt động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) để duy trì vận tốc siêu thanh trên toàn hành trình.
Kh-31P bay ở độ cao lớn để bám theo tín hiệu radar đối phương, cho phép nó đạt tốc độ hơn 4.300 km/h và tầm bắn 110 km, trong khi Kh-31A bay sát mặt biển, có tốc độ tối đa 3.300 km/h và tầm bắn 100 km. Các phiên bản hiện đại hóa có thể đánh trúng đích từ khoảng cách 160-250 km.
Dòng Kh-31 được coi là một trong những vũ khí chiến thuật nguy hiểm nhất đối với các khẩu đội Patriot và tàu chiến Mỹ, buộc Washington tìm phương án đối phó. Loại tên lửa này có thể triển khai từ cường kích Su-24, tiêm kích hạng nặng Su-30SM và Su-35S, cũng như tiêm kích bom Su-34.
Vũ Anh (Theo Drive)