Mỗi ngày, văn phòng này tiếp nhận khoảng 3.000 người nộp giấy tờ cùng 15.000 rupee (42 USD) lệ phí cấp hộ chiếu. Các nhân viên Cục Xuất nhập cảnh Sri Lanka ở thủ đô Colombo đang làm việc 24/24, 6 ngày/tuần, trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu xin cấp hộ chiếu tăng vọt của người dân.
Nhiều người xếp hàng đợi qua đêm, như Madushini, 35 tuổi, chủ một khách sạn ở miền tây Udawalawa, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và khủng hoảng tài chính sau đó. Cô đang muốn tìm việc tại Mỹ, nơi anh họ đang sinh sống.
"Không còn du khách nước ngoài nào đặt phòng, nên tôi cần phải tìm cách kiếm tiền và đảm bảo cuộc sống cho mình", cô nói. "Toàn bộ đất nước ngừng trệ, chúng tôi không có tiền".
Kể từ tháng 3, khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka ngày càng trầm trọng do chính phủ không còn dự trữ ngoại hối để nhập khẩu các mặt hàng quan trọng như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc.
Từ quốc gia được coi là mô hình cho các nền kinh tế đang phát triển, quốc đảo Nam Á vỡ nợ hồi tháng 5, hiện đối mặt với lạm phát gần 60%. Các cuộc biểu tình nổ ra và ngày càng bạo lực, với đỉnh điểm là ngày 9/7, khi người dân xông vào phủ Tổng thống, khiến ông Gotabaya Rajapaksa tuyên bố từ chức, tháo chạy khỏi Sri Lanka.
Một số người trong hàng chấp nhận nhịn đói, nhịn khát vì sợ mất chỗ, trong khi mồ hôi chảy ròng ròng dưới trời nắng nóng.
Đầu bếp thất nghiệp Samantha, 34 tuổi, đã xếp hàng suốt 18 giờ xin hộ chiếu để có thể tới làm việc tại một khách sạn ở Cyprus, Địa Trung Hải. "Tôi muốn rời hòn đảo này càng sớm càng tốt", anh nói. "Ở đây không có việc làm và không có tiền, tôi sẽ đợi cho đến khi nhận được hộ chiếu".
Kiều hối từ lâu đã trở thành một trong những trụ cột kinh tế của Sri Lanka, song nguồn tiền này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Quốc đảo 22 triệu dân này có hơn 10% dân số làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các nước vùng Vịnh.
Con số này đang tăng lên. Cục Xuất nhập cảnh Sri Lanka đã cấp 122.000 hộ chiếu trong tháng 6, so với trung bình khoảng 50.000 hộ chiếu/tháng trước đó.
Nhiều người trong số họ tới từ các vùng nông thôn, phải di chuyển quãng đường dài tới Colombo trên những chuyến xe buýt đông đúc. "Tôi quen một số người ở Arab Saudi, họ hứa sẽ giúp tôi tìm việc ở đó", Shantakala, bà nội trợ 46 tuổi ở Chilaw, cho biết. "Chồng tôi sẽ ở lại trông coi mảnh ruộng ở nhà. Tôi phải ra đi vì mảnh đất này không còn đủ nuôi sống hai vợ chồng".
Những người khác là sinh viên phải bỏ dở việc học. "Chúng tôi cần phải rời khỏi đây, tìm việc làm và hỗ trợ gia đình trong thời điểm khủng hoảng kinh tế này", Imesh Tarusha, 18 tuổi, thành viên một gia đình 6 người, nói.
Chính phủ mới của Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ, nhưng những người tìm đường rời khỏi đất nước không tin rằng tình hình sẽ nhanh chóng cải thiện.
"Đất nước của chúng tôi rất xinh đẹp, nhưng không có xăng dầu. Mọi thứ rất khó khăn", Shantakala nói. "Tôi mong mọi thứ sẽ ổn định, nhưng không biết sẽ mất bao lâu".
Bên trong văn phòng Cục Xuất nhập cảnh, các nhân viên đang làm việc suốt ngày đêm để xét duyệt hồ sơ.
"Công việc rất mệt mỏi, không ai được về nhà", một nhân viên giấu tên nói. "Quan trọng là phải cấp càng nhiều hộ chiếu càng tốt, để mọi người có thể rời đi và gửi tiền về nhà, điều này giúp ích cho đất nước chúng tôi".
Đức Trung (Theo AFP)