Họ đua nhau lắp máy lạnh, dù hằng ngày, người dân quê vẫn tận hưởng được ngọn gió đồng trong lành, mát dịu. Quê tôi không ngừng đổi mới, nông dân quê tôi cũng không ngừng chơi sang để đổi mới theo và coi đó là sĩ diện của anh "Hai Lúa" thời hội nhập.
Tuy rằng mỗi hộ gia đình chỉ có 1000-3000m2 đất nông nghiệp thôi, nhưng đời sống vật chất lẫn tinh thần gia đình nào cũng phải "thi đua" làm cho "bằng chị bằng em" bất chấp hoàn cảnh kinh tế như thế nào.
>> Hai vợ chồng tôi sống hiu quạnh trong căn nhà tiền tỷ con xây
Tuy có đồ ăn tươi sống có sẳn mỗi ngày ở chợ hay ở ngay chính vườn rau, ao cá nhà, nhưng nếu chị Hai có cái tủ lạnh một cửa thì anh Ba cũng phải "tranh thủ" có cái hai cửa lớn hơn, đẹp hơn. Đôi lúc tủ lạnh chỉ có vỏn vẹn ngăn đá là đầy thôi, các ngăn mát thì vẫn trống trơn. Ấy vậy mà nhà nào cũng phải có.
Chưa hết đâu, nếu nhà này có dàn loa "kẹo kéo" khoảng 3-5 triệu, thì nhà kia tệ lắm cũng phải sắm được dàn "karaoke" năm mười triệu, dự phòng phục vụ cho những ngày tết, lễ hay đám giỗ, đôi lúc có gia đình chơi luôn dàn nhạc sống. Đám cưới thì khỏi phải nói, nghèo cỡ nào cũng "tắc xình, tắc xình xình" từ chiều hôm trước tới ngày hôm sau.
Ngày xưa lắp được một cái điện thoại bàn để cha mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn liên lạc với nhau đã là mừng hết lớn. Đến bây giờ thì nó là cái phương tiện "xưa như trái đất" rồi.
Được cái dế yêu rồi thì công việc tiếp theo là gắn wifi. Nhà này có thì nhà kia cũng phải có. Tôi có người bạn ngày xưa cũng giờ đây đôi lúc cũng lóng ngóng với cái điện thoại thông minh với Facebook nên đôi lúc phải "cầu viện" tới đứa cháu nội mới lên lớp 9 phổ thông.
>> Người Việt chừa lại miếng thức ăn cuối cùng - sĩ diện hay lãng phí?
Từ nhiều năm nay, không biết từ đâu mà quê tôi có một qui luật bất thành văn, cho dù đúng ngày giỗ ông bà, cha mẹ là ngày nào, cũng phải dời đúng ngày chủ nhật để có đông đủ mặt con cháu. Người được mời đi dự phải mua một thùng bia xịn. Nếu là bia cỏ thì khó coi lắm vì nó khác người bình thường.
Chủ nhật vừa qua, tôi phải đi dự 4 đám giỗ nhà 4 người bạn trong xóm, tức phải chi ra khoản tiền trên 1,2 triệu đồng, một khoản tiền không hề nhỏ đối với người nông dân.
Chuyện thù tạc vãng lai thân tộc, bà con chòm xóm khoảng 20 cái đám giỗ. Chỉ một khoản này thôi, gia đình tôi tốn hao trên 6 triệu đồng là "chuyện thường ngày ở huyện" nông thôn. Còn biết bao chuyện chi khác nữa với khoản thu nhập như trên. Ngồi tính lại mới giật mình khi nhớ câu ông bà ta thường nói: "Toạ thực sơn băng".
>> Sếp giành trả hóa đơn tiền ăn uống, sau lưng lại nói tôi 'không biết điều'
Tôi không biết những hộ nông dân khác ít đất, nhiều con hơn tôi phải tính toán ra làm sao khi nghèo mà... vẫn phải "sĩ diện" chơi sang kiểu này?
Một anh bạn cùng xóm tôi vừa đi đám cưới ở một tỉnh phía Bắc nước ta, kể lại chuyện uống bia trong đám cưới hay đám giỗ có phần lạ lẫm. Người được mời dự chỉ có tiêu chuẩn uống hai lon bia tới tàn tiệc mà thôi.
Tôi thấy nếu quả đúng như vậy thì hay biết mấy, tốt đủ điều cho cả chủ lẫn khách. Đình đám nhất thời theo kiểu " cho bằng chị bằng em" mà làm gì để sau đó phải mang nợ, nói chi tới chuyện nông dân làm giàu.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.