Ông Bhát Châu, Bí thư Đảng ủy xã Đắc Pre, cho biết ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão, mấy ngày qua khu dân cư thôn 56B mưa lớn. Chiều 19/9, người dân phát hiện vết nứt kéo dài hơn 120 m, rộng gần 1m, sâu 1-5 m. "Khu vực này do ngấm nước, nguy cơ sạt trượt bất cứ lúc nào", ông Châu nói.
Chính quyền phối hợp với Đồn Biên phòng Đắc Pring huy động lực lượng sơ tán người và tài sản của bà con đến nơi an toàn trong đêm. Một tổ công tác làm nhiệm vụ thường trực, sẵn sàng phối hợp với lực lượng tại chỗ, kịp thời xử lý khi có tình huống nguy hiểm.
Chính quyền xã Đắk Pre báo cáo sự việc để huyện Nam Giang khảo sát và có phương án tiếp theo.
Cách xã Đắc Pre hơn 200 km, đất đá sạt lở ở huyện Nam Trà My tràn vào hàng chục ngôi nhà. Chính quyền sơ tán 51 hộ dân với 164 người đến nơi an toàn. Mưa lũ khiến 4 tuyến đường liên xã bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Ba điểm trường bị sạt lở đất phía sau.
Tại xã Trà Cang, 19 hộ dân với 93 người làng Tak Chay bị sạt lở, nền nhà nứt toác có nguy cơ sập đổ. Chính quyền sơ tán người dân ở xen ghép và tháo dỡ nhà cửa di dời.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết gần 1.400 người gồm bộ đội, công an, đội xung kích được huy động ứng phó mưa bão. Huyện đã tích trữ 300.000 kg gạo; 1.200 thùng mì tôm, lương khô dự trữ tại các nhà kho của xã, trường học, nhà kho thôn, các cửa tiệm tạp hóa và trong nhân dân. Huyện xác định 39 khu dân cư có nguy cơ sạt lở với hơn 5.000 người dự kiến sơ tán.
Sáng nay, Quảng Nam trời hửng nắng. 372.000 học sinh từ mầm non đến lớp 12 đã đến trường học sau một ngày nghỉ. Nhiều tuyến đường thấp trũng bị ngập nước đã rút, phương tiện lưu thông bình thường.