Những ngày gần đây trên nhiều tuyến đường một số xã ở huyện Quế Sơn sắn chất đống hai bên. Số sắn được người dân thu hoạch đem bán nhưng không có người mua, để lâu ngày bị thối, bốc mùi hôi gây ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Phương trồng 3,5 sào sắn, sản lượng gần 8 tấn nhưng bị đợt mưa lũ kéo dài gây ngập úng. Một tuần trước, bà thu hoạch chở ra đường bán cho thương lái với giá 1.000 đồng một kg. Hai bên đã thỏa thuận miệng nhưng sau đó người mua không đến chở. Sắn để nhiều ngày gặp mưa kéo dài bị hư hỏng.
Sáng 23/10, thương lái bắt đầu mua lại, bà Phương lựa ra được 3 tấn bán, còn năm tấn đã thối. Điểm tập kết sắn nằm giữa khu dân cư, bốc mùi hôi gây ô nhiễm. Bà Phương cùng chồng đành cho sắn vào bao tải, kéo ra ruộng đổ làm phân bón.
"Hơn 10 năm trồng sắn, đây là lần đầu tiên thu hoạch không có người mua", bà nói và cho hay nhiều hộ dân khác cũng như nhà bà, nhổ sắn lên không bán được. Người đưa lên rừng, người cho ra ruộng.
Ông Trần Công Hùng trồng 8 sào sắn đến thời kỳ thu hoạch thì trúng đợt lũ, toàn ruộng sắn bị ngập. Cây nào nhổ lên cũng hư hỏng hơn một nửa. Sắn từ lúc trồng đến lúc thu hoạch mất 10-11 tháng. Một sào đầu tư 400 nghìn đồng phân bón và 10 ngày công chăm sóc, đạt năng suất 2 tấn.
Ông nhẩm tính, năm trước giá bán được 1.600 đồng/kg tại chỗ, còn chở xuống nhà máy chế biến tinh bột sắn cách 5 km thì được 1.800 đồng/kg, thu về ba triệu đồng một sào. Năm nay sản lượng còn một tấn, giá bán 1.000 đồng mỗi kg lại bị trừ khấu hao 20-50%, thu về 600.000 đồng một sào.
Sản lượng và giá cả giảm, ông vẫn phải thu hoạch. "Tôi thuê người đến chọn những củ chưa thối để bán, tính ra chưa đủ trả công cho người ta mà còn phải bù lỗ. Không nhổ thì tiếc của lắm, phần nữa không có đất để sắp tới trồng hoa màu", ông Hùng nói.
Ông Trần Vũ Tánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Sơn, cho biết địa phương trồng hơn 2.000 ha sắn, năng suất đạt 23 tấn mỗi ha, tập trung ở xã Quế Mỹ, Quế Thuận, Quế An, Quế Hiệp, Quế Long, Quế Minh, thị trấn Đông Phú.
Giá bán năm nay là 1.000 đồng tại ruộng; 1.300 đồng chở đến nhà máy. "Mức giá này vẫn được, vì năm nay mắc dịch Covid-19 doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu", ông Tánh nói.
Ông Tánh cho rằng chính quyền đã khuyến cáo người dân trồng sắn trên đồi, nhưng một số hộ đã trồng trên đất quy hoạch trồng lúa nên bị ngập, thối. Bên cạnh đó, mưa lũ khiến nhà máy chế biến sắn trên địa bàn mất điện, phải dừng hoạt động 4 ngày, dẫn đến một lượng sắn đã thu hoạch không tiêu thụ được.
"Không có chuyện nhà máy không thu mua và ép giá. Nếu nhà máy ép giá chính quyền sẽ làm việc ngay", ông khẳng định.
Tuy vậy, ông Tánh nói thêm, sắn bán cho nhà máy không chỉ riêng Quảng Nam mà còn từ nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khác chở đến. Số lượng quá lớn nên nhà máy sản xuất không kịp, người dân đành phải chờ.