"Kể từ khi các cuộc biểu tình và đình công phản đối cải cách lương hưu nổ ra, lượng khách hàng thuê scooter của chúng tôi tăng 500% vì họ cần được di chuyển, chứng tỏ đây là phương tiện thay thế hoàn hảo cho ôtô và giao thông công cộng", Driss Ibenmansour, quản lý công ty thuê scooter Bird France, cho biết.
Ibenmansour cho hay trước khi các cuộc đình công xảy ra hôm 5/12, mọi người thường thuê scooter của công ty ông để di chuyển từ nhà đến trạm tàu hoặc từ trạm tàu đến công ty, nhưng giờ người Paris thuê scooter cho cả quãng đường đi làm.
Dân Paris đã chọn cách đi bộ, xe đạp, tự lái xe nhằm thay thế phương tiện công cộng và họ cũng chọn scooter điện là phương án đi lại trong hai năm gần đây.
"Không có tàu điện ngầm nên tôi đi bộ, đi scooter, xe đạp hoặc ôtô, nhưng đi bằng ô tô tốn thời gian. Với scooter, chúng tôi không bị mệt", Kanto Andrianalitiain, 21 tuổi, nói.
Alexandre Monsarrat, người dân Paris, nói ông mất 15 phút để đi từ nhà đến nơi làm việc bằng scooter, nhanh hơn so với một tiếng đi bằng ôtô trong cảnh tắc đường do đình công.

Một phụ nữ chạy scooter qua hàng dài người đợi xe buýt tại trạm Gare du Nord, thủ đô Paris, Pháp hôm 10/12. Ảnh: Reuters.
Các công ty nước ngoài như Lime hay Bird, có trụ sở ở Mỹ, vận hành khoảng 15.000 scooter điện ở Paris. Lime cho biết cuối tuần trước, số chuyến thuê scooter mỗi ngày tăng 90% trong lúc biểu tình diễn ra. Lime chứng kiến lượng người dùng mới tăng 530% trong giai đoạn 5-13/12, giúp công ty có thêm 64.000 khách hàng mới.
Dott, công ty cho thuê 3.200 scooter ở Paris, cho biết lượng người dùng mới tăng 10 lần trong thời điểm đình công.
Một số người đi làm bằng phương tiện công cộng cho biết mức phí một euro để thuê một chiếc scooter và thêm 20 cent cho mỗi phút di chuyển có thể đắt nếu di chuyển cả quãng đường dài, nên nhiều người đã tự bỏ tiền mua scooter.
"Sẽ là thiết thực hơn nếu sở hữu một chiếc scooter. Nó rẻ hơn và bạn luôn biết chúng ở đâu khi cần", Orianne Denot, người dân Paris cho biết.
Nhiều người Pháp bắt đầu xuống đường biểu tình phản đối chính phủ từ hôm 5/12, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron thông báo kế hoạch cải cách lương hưu.
Nhân viên lái tàu đình công khiến chỉ 2/16 tuyến tàu điện ngầm tại Paris và 1/4 số chuyến tàu cao tốc trên toàn nước Pháp hoạt động bình thường. Công đoàn tại cơ quan đường sắt muốn tiếp tục đình công suốt kỳ nghỉ Giáng sinh, khiến chính phủ "đau đầu" tìm phương án giải quyết tình trạng giao thông.
Hôm 9/12, biểu tình làm tắc nghẽn giao thông dài 630 km trên các đường dẫn vào Paris và các vùng lân cận.
Nhật Duy (Theo Reuters)