Sự yên bình vốn có tại ngôi làng Hòa Cương, thị trấn Cao Điện, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh những ngày này bị phá vỡ bởi một cuộc hôn nhân. Cô gái 20 tuổi Đào Minh Thụy, bị thiểu năng trí tuệ không biết nói và không tự chăm sóc bản thân vừa cưới người đàn ông 55 tuổi Trương Ngôn Chiếu, làm thợ xây trong làng. Chỉ một ngày trước khi nhận giấy đăng ký kết hôn, một đoạn video ghi lại cảnh chồng lau nước mắt cho vợ được tung lên internet khiến họ nổi tiếng bất đắc dĩ.
Sức ép của dư luận ập đến bất ngờ, gần như hạ gục người đàn ông chưa bao giờ ra khỏi làng: "Đời tôi đã chán lắm rồi. Mọi người đừng xúc phạm nữa", Trương nói.
Làng Hòa Cương có 3.000 người. Nhà của Trương nằm giữa làng không có cổng chính, mái nhà nhiều chỗ dột nát. Đối lập với nhà chính cũ kỹ, phòng tân hôn của Trương có một chiếc tivi mới, một tủ quần áo lớn và chiếc giường mới đóng. Ngày 27/2, một lễ rước dâu nhỏ đã được tổ chức tại chính căn phòng này.
Trong ngày đó, Trương và Đào được sắp xếp ngồi cạnh nhau, mỗi người đều đeo trước ngực dải lụa màu đỏ ghi dòng chữ "tân lang", "tân nương". Cô dâu không ngừng khóc, còn chú rể lấy khăn lau nước mắt, nhẹ nhàng nhắc: "Ở đây cô được hưởng phúc. Tôi sẽ đối xử tốt với cô. Về nhà mới rồi, đừng khóc nữa".
Ngoài sân, khách dự đám cưới đang trò chuyện rôm rả. Chú rể Trương, người vốn không giỏi ăn nói và ít bạn bè đã bày 3 bàn tiệc, hầu hết khách mời là họ hàng của hai gia đình. Đám cưới tưởng chừng không có gì nổi bật này lại gây náo động toàn Trung Quốc sau khi một người thân quay video và đưa lên trang cá nhân. Trong video cô dâu trông như một thiếu niên mới lớn, có sự tương phản rất lớn với chú rể đã ngoài 50 tuổi. Một số người hiểu đó là "cuộc hôn nhân bị ép buộc" hay "ông già cưới một cô gái vị thành niên làm vợ".
Trước bức xúc của dư luận, ngày 1/3, Công an thị trấn Cao Điện đã điều tra vụ việc, kết quả được công bố: "Cuộc hôn nhân xuất phát từ sự tự nguyện của hai bên gia đình. Cô dâu đủ tuổi hợp pháp, không có tình trạng ép buộc kết hôn".
Sau khi có quá nhiều người vào bình phẩm, Trương trần tình: "Dù Đào là một người chậm phát triển trí tuệ và không biết nói nhưng tôi vẫn vui vì bản thân đã quá già để có thể tìm được một người vợ".
Gia đình Trương có 7 anh chị em và ông là con trai thứ 4. Trước ông, cả ba người anh đều lấy vợ theo kiểu hôn nhân "trao đổi ngang hàng" - tức người đàn ông trao đổi em gái hoặc chị gái mình với nhà cô dâu - người có em trai hoặc anh trai đang ở tuổi kết hôn - để tạo nên 2 cuộc hôn nhân đối xứng. Nhưng đến Trương thì không được may mắn bởi gia đình quá nghèo. Gần hết cuộc đời ông vẫn cô đơn và sống với người cha 87 tuổi nằm liệt giường- người thường nói với con trai: "Cố lấy vợ rồi có đứa con, dù vợ là người thế nào".
Hoàn cảnh của Trương không phải là cá biệt, đàn ông ở làng Hòa Cương không tìm được vợ cũng rất nhiều.
Lương Thanh Sơn cũng là người làng Hòa Cương, năm nay 30 tuổi. Sau khi học hết cấp 2, anh đến thành phố làm việc. Dù có ngoại hình ưa nhìn, cao 1m75 nhưng không khéo ăn nói, trình độ thấp nên chỉ làm việc vặt trên công trường.
30 tuổi, Lương bị coi là "trai ế" ở quê. Cuối năm 2019, bố mẹ mai mối cho anh vài cô gái, nhưng khi nghe đến việc Lương không có việc làm ổn định và không có nhà ở thành phố nên ai cũng từ chối. Đầu 2020, anh được giới thiệu tới một cô gái khác hơn 2 tuổi. Lần đầu gặp mặt, cô gái này nói rằng bố mẹ cô thách cưới trên 300.000 tệ (1,1 tỷ đồng). Họ không liên lạc lại sau đó.
Nhóm bạn của Lương có 10 người cùng tuổi. Ngoại trừ hai người lên thành phố học đại học cưới được vợ, còn lại chưa ai tìm nổi bạn đời. "Ở nông thôn tìm được vợ rất khó, cứ 100 người thì 40 người sẽ không tìm được vợ, đa số đều ngoài 30 tuổi", Lương nói.
Lão Lục là người biết rõ điều này nhất. Ông là người thị trấn Thái Dương, thành phố Thẩm Dương, rất chuyên nghiệp với vai trò mai mối. Trong hơn mười năm, Lão Lục đã dùng tới 12 quyển sổ để chép danh bạ điện thoại, sổ mỏng nhất 100 trang và sổ dày nhất là hơn 200 trang, mỗi trang ghi tên 10 người. Người đàn ông này nhẩm tính, trong số hàng chục nghìn khách hàng của mình, chỉ có 2-3% là phụ nữ.
"Điều khủng khiếp là không có phụ nữ ở nông thôn. Đàn ông trên 35 tuổi muốn tìm vợ quả thực rất khó", Lão Lục nói.
Vào ngày 13/3, Lão Lục đã sắp xếp hai buổi hẹn hò cho Phùng Đường, một người đàn ông 49 tuổi độc thân cùng làng. Người phụ nữ đầu tiên 35 tuổi, đã ly hôn và có hai con. Người thứ hai 30 tuổi góa chồng, cũng có hai con và phải phụng dưỡng bố chồng 80 tuổi. Bố mẹ Phùng Đường đã mất, các anh chị em đều có gia đình riêng, anh có 13 mẫu đất nằm sát mặt đường. Làm công nhân xây dựng, mỗi tháng người đàn ông này kiếm được 8.000 tệ (30 triệu đồng).
Sau cuộc hẹn hò với người thứ nhất, Phùng rất hài lòng về đối tượng, nhưng người này lại không thích anh với ba lý do: Anh không biết cách nói chuyện khi hai người gặp nhau, thứ hai dù có đất nhưng anh không đủ tiền mua một căn nhà ở thị trấn, thứ ba là anh quá già.
Buổi hẹn hò thứ hai lại được lên lịch. Dù cũng chê Phùng già hơn tuổi nhưng với sự nói khéo của Lão Lục, đối phương vẫn sẵn sàng liên lạc. Tuy nhiên sau đó bố chồng của cô đề nghị, nếu cưới, Phùng phải đến nhà của người phụ nữ sinh sống. "Sao có thể làm điều ngược đời như vậy, người làng sẽ cười tôi chết", Phùng lo lắng nói với Lão Lục.
"Tại sao anh lại kiêu ngạo như vậy? Đây không phải lúc tức giận. Quan trọng nhất là tìm được người ở chung. Bố chồng cô ta có thể sống thêm được bao nhiêu năm? Một khi ông ấy qua đời, anh sẽ được thoải mái", Lão Lục khuyên Phùng Đường.
Thực tế nhiều năm qua, tiêu chuẩn chọn vợ của Phùng đã thay đổi nhiều lần. Từ "Nhỏ tuổi hơn và có chút dung mạo" thành "Lớn tuổi hơn cũng được nhưng chưa kết hôn". Tuy nhiên sau đó lại chuyển từ "Phụ nữ, không có con" thành "Miễn là phụ nữ, còn điều kiện khác không quan trọng".
Sau hai lần giới thiệu không thành công, người đàn ông này vẫn miễn cưỡng tính phí mai mối cho Lão Lục 100 tệ.
Phạm Lỗ, phó giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nhận thấy rằng ở những vùng nông thôn nghèo, hiện tượng khó kết hôn của nam giới ngày càng báo động. Thứ nhất, sự mất cân bằng giới tính tồn tại trong nhiều năm; Thứ hai, sự di cư của phụ nữ trẻ từ nông thôn lên thành phố và có xu hướng tìm bạn đời ở thành phố. Thứ ba, chi phí kết hôn cao cũng là nguyên nhân cản trở nam giới nông thôn tiến tới hôn nhân. Ngược lại, do nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, việc thừa kế đất đai, nam thanh niên nông thôn ra ngoài làm việc thường chọn về quê định cư.
"Chỉ cần là phụ nữ, bất kỳ ai cũng có thể tìm được đối tượng ở quê", Phạm Lỗ nêu hiện trạng.
Vy Trang (Theo qq)