Các nhà khoa học chưa nhất trí về độ tuổi nên chênh lệch của các cặp vợ chồng. Ảnh: corbis.com. |
Martin Fieder tại Đại học Viên (Áo) và Susanne Huber từ Đại học Thú Y, cũng ở Viên, đã nghiên cứu dữ liệu của Thụy Điển và tìm ra phương trình đơn giản liên quan đến sự chênh tuổi của cha mẹ và số con của các cặp vợ chồng.
Với những người duy trì mối quan hệ 1 vợ 1 chồng trong suốt thời trưởng thành, số con nhiều nhất thuộc về các cặp mà người chồng già hơn vợ từ 4 đến 5,9 năm.
Lý do đằng sau tình trạng này không có gì gây tranh cãi. "Đàn ông muốn lấy vợ trẻ hơn vì họ hấp dẫn hơn về mặt thể chất", trong khi phụ nữ muốn ưu tiên một anh chàng có thể đảm bảo về an ninh và ổn định kinh tế, vì thế họ có xu hướng chọn người già dặn hơn", Fieder nói.
Tuy nhiên, tính toán của Fieder và Huber gặp nhiều chỉ trích. Chẳng hạn, Erik Lindqvist từ Viện nghiên cứu Kinh tế Công nghiệp ở Stockholm, Thụy Điển, chỉ ra rằng tuổi của người mẹ có thể quan trọng hơn bất kỳ sự khác biệt tuổi tác nào: người mẹ càng già, cơ hội có con càng thấp.
"Chúng tôi đã bổ sung nhân tố đó vào tính toán", một cộng sự của Fieder nói. "Ngay cả như thế, tầm quan trọng của sự chênh lệch tuổi vẫn không thay đổi".
Tuy nhiên, nếu điều trên là đúng với Thụy Điển, thì khoảng cách 4-6 năm cũng chưa hẳn là tối ưu với tất cả các nền văn hóa khác.
Samuli Helle từ Đại học Turku ở Phần Lan, sau khi đọc báo cáo của Fieder và Huber, cho biết nó đã khuấy lại ký ức về một báo cáo mà ông thực hiện vài năm trước nhưng không công bố.
Nhóm của Helle đã thực hiện nghiên cứu trên người Sami ở phía bắc Phần Lan vào năm 2001, tương tự như tính toán của Fieder và Huber, sử dụng dữ liệu nhân chủng học từ thế kỷ 17 đến 19. Thật kỳ lạ, với nhóm người Sami này, đàn ông hơn bạn đời 15 tuổi mới có nhiều con nhất.
"Tôi không rõ tại sao sự chênh tuổi tối ưu lại lớn đến thế ở người Sami, nhưng có thể nó liên quan đến văn hóa", Helle nói, lưu ý rằng người Sami là những người chuyên đi săn tuần lộc.
T. An (theo NewScientist)