Trên thực tế, ngay cả những khác biệt nhỏ xuất hiện khi cả hai phụ nữ sống chung dưới một mái nhà cũng có thể phát triển theo cấp số nhân, dù có hoặc không có sự can thiệp của bạn. Do đó, làm thế nào để cân bằng giữa việc vỗ về mẹ, xoa dịu vợ là một điều không dễ dàng. Theo các chuyên gia về gia đình, có 8 quy tắc mà người đàn ông nên nhớ trong việc ứng xử giữa "bên tình, bên hiếu".
Hãy hiểu cả hai phía
Mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng bạn nên sẽ gặp khó khăn khi chứng kiến một người khác thay bà chăm sóc, trò chuyện tâm tình với bạn. Trong khi đó, người vợ đồng hành, sinh con cho bạn, yêu thương bạn. Cả hai người phụ nữ đều đúng từ quan điểm cá nhân của họ. Thêm vào đó, mỗi người đều cho rằng họ gần gũi, gắn bó với bạn hơn người kia.
Trong hoàn cảnh này, người đàn ông đứng giữa có thể bực bội, khi phải đối mặt với căng thẳng nảy sinh trong gia đình. Tuy nhiên, việc bạn cần làm là đặt mình vào vị trí của cả hai người phụ nữ để hiểu mong muốn, suy nghĩ của họ.
Lập kế hoạch tiền hôn nhân
Nếu bạn có kế hoạch ở với bố mẹ chồng, ngay từ trước ngày cưới, nên lập kế hoạch tiền hôn nhân. Nên cho nàng dâu và bố mẹ chồng có nhiều cơ hội tiếp xúc và dần tham dự vào những vấn đề trong gia đình. Cần cho hai người phụ nữ tìm hiểu nhiều hơn về nhau. Nếu họ có thể tin tưởng nhau hoàn toàn, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Điều quan trọng, bạn cũng cần phải cho cả hai người phụ nữ biết rằng bạn yêu họ.
Trong giai đoạn này, mẹ bạn sẽ đối diện với sự bất an rằng đã "đánh mất" bạn vào tay một người phụ nữ khác, thậm chí cho rằng bà có thể không giữ vị trí quan trọng trong cuộc đời bạn. Thế nên, cần cho mẹ biết rằng với bạn, mẹ luôn luôn quan trọng.
Giải quyết cuộc chiến bếp núc
Nhiều mẹ chồng và con dâu thường gặp mâu thuẫn trong chuyện bếp núc: Con dâu quá bận rộn để có thể là bà nội trợ thường trực, trong khi mẹ chồng không muốn đơn thương độc mã trong căn bếp. Thế nên, giải pháp chính là hãy hỗ trợ các bà nội trợ ngay khi có thể. Việc bạn chủ động vào bếp và hỗ trợ mẹ/vợ bất cứ khi nào có thể sẽ là một cách giúp đỡ thiết thực nhất.
Không khuyến khích phàn nàn
Một người là mẹ, người còn lại là vợ. Nếu một người phàn nàn, hãy duy trì một thái độ trung lập. Đừng hùa theo, nói xấu người này với người kia. Nếu vợ nói: "Mẹ anh luôn quát tháo em", đừng nói "Anh sẽ nói chuyện với mẹ". Nếu mẹ bạn nói: "Con dâu cứ làm thế này, thế kia...", cũng đừng hứa hẹn với mẹ rằng sẽ nói chuyện với vợ.
Đôi khi trung lập là cách giải quyết tốt nhất. Ngay cả khi cả hai đều được bạn yêu quý, họ đã là người trưởng thành. Việc khuyến khích người này phàn nàn về người kia sẽ khiến bạn mất đi sự kiên nhẫn và rơi vào thế khó xử. Tốt nhất là hãy lắng nghe họ trút bầu tâm sự nhưng đừng tạo thói quen cho họ.
Khi gia đình xảy ra tranh cãi, căng thẳng giữa hai người phụ nữ, tốt nhất là để họ tự giải quyết mọi việc. Yêu cầu họ giao tiếp và giải thích rằng bạn không phải lúc nào cũng có mặt để giảm bớt căng thẳng mối quan hệ giữa hai người.
Dành thời gian cho cả hai
Nhiều người đàn ông sau khi kết hôn thường quấn quýt vơi vợ và thiếu gần gũi với mẹ, điều này vô tình gây ra sự xa cách mẹ con, làm nảy sinh thái độ tiêu cực của mẹ chồng với con dâu. Do đó, nên giúp mẹ hiểu bạn bằng cách dành thời gian cho mẹ, ví dụ thi thoảng đưa bà đi ăn, đi mua sắm... là một ý kiến hay. Cử chỉ nhỏ như vậy sẽ giúp cho mẹ của bạn thấy mẹ được yêu thương như thế nào và tình cảm bạn dành cho mẹ không có gì thay đổi. Tuy nhiên, nên lưu ý đừng phàn nàn về vợ khi đi với mẹ.
Thùy Linh (Theo Bonobology)