Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu Pew, tỷ lệ những người vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng đã tăng gấp ba lần, từ 5% lên 16% trong 50 năm qua. Năm 1972, có 49% người chồng là trụ cột kinh tế duy nhất, đến 2022 giảm còn 23%. Hiện khoảng 30% số hộ gia đình ở Mỹ có vợ chồng bình đẳng thu nhập.
Những cuộc hôn nhân có tổng thu nhập cao nhất khi cả vợ chồng đều mang tiền về. Những gia đình phụ nữ là trụ cột kinh tế có thu nhập cao hơn (145.000 USD) so gia đình chồng làm trụ cột (121.000 USD).
Richard Fry, nhà nghiên cứu cấp cao tại Pew cho biết, phụ nữ đóng góp tài chính nhiều hơn không có nghĩa các mối quan hệ bình đẳng hơn hay phụ nữ sẽ làm tốt hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ngay cả khi làm ra nhiều tiền hơn chồng, phái yếu vẫn chăm con và làm việc nhà nhiều hơn 5 tiếng mỗi tuần. Trong cùng những mối quan hệ đó, đàn ông giải trí nhiều hơn vợ gần 3,5 tiếng.
Các nhà nghiên cứu và cố vấn tài chính cho biết xu hướng phụ nữ làm ra nhiều tiền hơn có thể gây ra xung đột trong hôn nhân, hoặc thậm chí ly hôn. Stacy Francis, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Francis Financial cho biết những thay đổi về địa vị trụ cột gia đình có thể "dẫn đến rất nhiều thất vọng, tranh cãi và oán giận".
Khi Francis vượt qua chồng về thu nhập, vợ chồng cô đã đi ăn mừng. Sau nhiều năm gánh vác phần lớn trách nhiệm kinh tế gia đình, chồng cô phần nào cảm thấy nhẹ nhõm khi giao nó cho vợ.
Nhưng Francis (48 tuổi) sớm nhận ra mình vẫn dành nhiều thời gian trong bếp, việc ở hội phụ huynh, trường học và chăm sóc con. "Kiếm được nhiều tiền hơn chồng khiến tôi cảm thấy ít nữ tính hơn. Khi nhìn lại, tôi nhận ra chính bản thân cần phải cảm thấy thoải mái với vai trò này trước tiên", cô nói.
Theo các chuyên gia, lý do dẫn đến sự phân chia việc nhà chủ yếu do vai trò giới tính đã được hình thành qua nhiều thế hệ. Một số phụ nữ lo việc ngừng làm việc nhà có thể gây rủi ro cho hôn nhân.
"Chúng tôi vẫn thấy có những quan niệm cũ đối với thành công kinh tế của phụ nữ; nhiều nơi, nhiều gia đình sự thành công vẫn như một thứ phá hủy các mối quan hệ", Johanna Rickne, giáo sư kinh tế Đại học Stockholm (Thụy Điển), cho biết.
Jennifer Clark, nhà tiếp thị kỹ thuật số 34 tuổi ở ngoại ô Chicago, cho biết cả vợ và chồng đều có thể hành đồng để giải quyết những sự mất cân bằng này. Trong khi chồng cô, giám đốc một công ty sản xuất âm thanh, kiếm được nhiều tiền hơn trong suốt 10 năm hôn nhân, cô lập ngân sách hàng tháng và quản lý tài chính gia đình. "Tôi không có cảm giác lép vế kinh tế trước chồng, dù thực tế anh kiếm được nhiều tiền hơn", cô nói.
Trong suốt cuộc hôn nhân, Clark làm việc tự do và bán thời gian, trong khi chồng làm việc toàn thời gian. Vì thế cô phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình và chăm sóc hai đứa con. Nhưng việc nói chuyện về tài chính và cùng nhau đưa ra quyết định đã giúp họ duy trì bình đẳng.
"Tôi luôn có ý thức khá tốt về quyền tự chủ tài chính, ngay cả với số tiền không nhất thiết phải kiếm được, bởi vì chúng tôi luôn có sự trao đổi bình đẳng" cô nói.
Bảo Nhiên (Theo WSJ)