Trong khảo sát này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Binghamton (New York, Mỹ) nhận thấy rằng trong giai đoạn đầu của cuộc chia tay, đàn ông không vật vã khổ đau như phụ nữ. Điều này không phải họ ít quan tâm đến nửa kia mà đơn thuần do yếu tố di truyền học.
"Từ góc độ sinh học, phụ nữ chọn lọc hơn trong việc lựa chọn bạn đời. Họ thường lên kế hoạch một cách có ý thức hoặc tiềm thức cho một cam kết lâu dài. Đó là lý do tại sao phái nữ có cảm giác giống như ngày tận thế khi người bạn đời họ chọn rời xa họ", tiến sĩ Craig Morris, tác giả chính của nghiên cứu nói.
Tuy nhiên, đàn ông cũng buồn bã sau chia tay nhưng không thể hiện. Nghiên cứu cho thấy đàn ông có cảm giác tức giận và có nhiều hành vi tự hủy hoại bản thân hơn.
Ngược lại, phụ nữ thường cảm thấy chán nản hơn và tìm lối thoát bằng các hoạt động xã hội, xây dựng liên kết nhiều hơn. Hành vi của phụ nữ có thể được cho là những chiến lược mang tính xây dựng, trong khi đàn ông chọn những chiến lược mang tính hủy diệt để duy trì lòng tự tôn của mình.
Tiến sĩ Craig Morris chỉ ra sau chia tay phụ nữ có xu hướng tự phê phán bản thân. Dù điều này không thực sự tích cực nhưng có thể mang lại lợi ích về lâu dài. Cơ chế đối phó này giúp phụ nữ hồi phục hoàn toàn hơn và bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ hơn nam giới.
Ngược lại, việc tự phê bình không có trong tư tưởng của đàn ông. Theo tiến sĩ Scott Carol, chuyên gia về mối quan hệ và bác sĩ tâm thần tại Đại học New Mexico, đàn ông có cách tiếp cận khác để giải quyết cảm xúc của mình.
"Đàn ông có xu hướng kìm nén nỗi đau buồn của mình và đuổi theo những mối quan hệ mới nhưng sẽ lập tức bỏ chạy nếu đối tác mới đòi hỏi thêm bất cứ điều gì. Ngoài ra, họ có thể tiệc tùng với những người bạn nam để xoa dịu nỗi buồn hoặc vùi đầu vào sự nghiệp hay sở thích, bất cứ điều gì giúp họ thoát khỏi sự mất mát và nỗi đau", Scott Carol nói.
Trên thực tế, đàn ông thường mất nhiều thời gian hơn để vượt qua nỗi đau chia tay. Một số người mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều chục năm nếu thực sự yêu nửa kia. Họ chỉ không thể hiện sự đau buồn của mình với người khác hoặc thậm chí với chính họ.
Josh Klapow, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Alabama (Mỹ), tin rằng đàn ông được nuôi dạy để che giấu cảm xúc, khiến các mối quan hệ sau này chỉ còn là thành tích thay vì là mối quan hệ hợp tác có ý nghĩa.
Sinh học cũng đóng vai trò thúc đẩy nỗi đau chia tay ở nam giới, theo Dawn Maslar, giáo sư sinh học và tác giả cuốn Men Chase, Women Choose. Theo giáo sư, khi một người đàn ông bước vào mối quan hệ với một phụ nữ, mức testosterone của anh ta giảm xuống, khiến anh ta dễ bị liên kết với oxytocin hơn (hay còn gọi là loại hormone khiến bạn cảm thấy yêu đương). Nhưng một khi anh ấy quyết định chấm dứt mối quan hệ, lượng testosterone của anh ấy sẽ tăng trở lại, làm giảm tác dụng của oxytocin.
Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, mỗi chúng ta đều có quá khứ, sự thất vọng và tổn thương của riêng mình. Thay vì đặt câu hỏi nửa kia có khổ đau hơn mình hay không, mục tiêu lành mạnh nhất sau khi chia tay chính là nên chăm sóc bản thân thật chu đáo.
Thùy Linh (Theo Psychology Today)