Vào sáng ngày 15/9, người dân khắp vùng phía Bắc Nhật Bản bị đánh thức bởi tiếng còi báo động cùng thông báo trên loa phóng thanh tìm nơi trú ẩn khẩn cấp vì tên lửa Triều Tiên vừa bay qua, AFP đưa tin.
"Tên lửa! Tên lửa! Triều Tiên dường như vừa phóng một quả tên lửa. Hãy tìm chỗ trú ẩn trong các tòa nhà hoặc dưới lòng đất".
Chỉ chưa đầy một tháng, Bình Nhưỡng đã hai lần phóng tên lửa bay qua lãnh thổ của Nhật Bản.
Trong hơn một thập kỷ qua, chính phủ Nhật Bản chỉ dùng J-Alert khi xảy ra động đất, sóng thần hoặc bão. Trong những tháng gần đây, để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ những vụ phóng thử tên lửa của nước láng giềng Triều Tiên, J-Alert, hệ thống cảnh báo hoạt động dựa trên thông tin thu thập từ vệ tinh, có thêm công năng mới.
Đối với người dân sống ở Hokkaido, tỉnh phía bắc Nhật Bản nằm trên đường bay của tên lửa Triều Tiên, tiếng còi báo động rít lên trên các nóc nhà không còn là thứ âm thanh lạ lẫm.
"Tôi không thể nói rằng chúng tôi đã quen với việc này. Anh biết đấy tên lửa bay ngang qua, ngay trên đầu thị trấn của chúng tôi. Thật chẳng dễ chịu gì khi nghe thứ âm thanh (báo động) đó", theo ông Yoshihiro Saito tại thị trấn đánh cá Erimo trên đảo Hokkaido.
"Rất đáng sợ đấy. Tôi nghe nói quả tên lửa bay được 2.000 km trên Thái Bình Dương và rơi xuống biển". Tất cả 16 chiếc thuyền đánh cá của ông Saito đều đang hoạt động gần vùng biển đó.
Các nhà phân tích cho biết Nhật Bản chỉ có 10 phút để chuẩn bị trước khi tên lửa của Triều Tiên chạm tới lãnh thổ nước này. Trong khi đó, phải mất vài phút sau khi tên lửa rời bệ phóng, nhà chức trách Nhật Bản mới nhận thức được cuộc tấn công và khởi động hệ thống cảnh báo cho người dân. Điều đó có nghĩa là dân thường, đặc biệt ở những khu vực gần bán đảo Triều Tiên, sẽ không có nhiều thời gian để thoát thân trong trường hợp Bình Nhưỡng thực sự phát động một cuộc tấn công.
Trong vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất, theo cơ quan chức năng của Nhật Bản, người dân chỉ có chưa đầy 5 phút để chạy vào các tòa nhà hoặc tầng hầm kiên cố.
"Thật sự đáng sợ. Chính phủ bảo chúng tôi hãy chạy trốn tới các tòa nhà vững chắc nhưng chúng tôi không thể chạy nhanh thế được. Đồng nghiệp của tôi làm việc ở ngoài khơi thì không biết trốn chỗ nào", Yoichi Takahashi, 57 tuổi, một cán bộ thủy sản ở Kushiro trên đảo Hokkaido, giãi bày.
"Việc này đã xảy ra hai lần rồi... Từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ chẳng được yên ổn ngày nào cả", ông Takahashi thở dài.
Isamu Oya, 67 tuổi, chủ một nhà hàng sushi ở Erimo, cho biết: "Chính phủ bảo chúng tôi tìm nơi trú ẩn nhưng làm gì có tòa nhà nào kiên cố hay hầm trú ẩn dưới lòng đất ở đây cơ chứ. Chúng tôi làm gì có lựa chọn."
"Sợ hãi ư? Làm sao mà chúng tôi không cảm thấy sợ hãi được?"
'Hành động khiêu khích nguy hiểm'
Các kênh truyền hình Nhật Bản thường phát những chương trình nhẹ nhàng vào buổi sáng nhưng ngày hôm nay, mọi bản tin đều tràn ngập dòng chữ cảnh báo màu đỏ về vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, các nhà mạng gửi tin nhắn khẩn cấp tới khách hàng.
Dịch vụ đường sắt, kể cả tàu cao tốc, nối đất liền với đảo Hokkaido tạm ngừng hoạt động.
Shinya Matsuura, một quản lý tại sân bay Obihiro, nằm ở quận Tokachi, trên đảo Hokkaido, cảm thấy nhẹ nhõm vì mọi hành khách đều bình tĩnh. Nhiều sân bay, bao gồm Obihiro, đều không nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.
"Nhẹ cả người vì vụ (phóng tên lửa) không ảnh hưởng đến chúng tôi", ông Matsuura nói.
Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, phát biểu rằng chính phủ nước này sẽ "không bao giờ dung thứ" cho "một hành động khiêu khích nguy hiểm gây hại đến hòa bình thế giới như vậy".
"Nếu đi tiếp con đường này, Triều Tiên sẽ không có tương lai sáng. Chúng ta cần phải làm cho Triều Tiên hiểu điều này", ông Abe nhấn mạnh.
Nhằm trấn an dân chúng, chính phủ Nhật cho biết ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho người dân.
Vào 7h06 ngày 15/9, khi người dân Nhật đang chuẩn bị cho một ngày mới, một quả tên lửa do Triều Tiên phóng, bay ngang qua vùng trời Nhật Bản và rơi xuống khu vực cách Hokkaido 2.000 km về phía đông. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói quả tên lửa này bay khoảng 3.700 km và đạt độ cao tối đa 770 km, cao hơn và xa hơn so với các lần thử trước đó.
Nhiều người dân lo lắng việc Bình Nhưỡng liên tiếp phóng thử tên lửa có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.
"Chúng tôi e sợ rằng việc này sẽ tác động đến cuộc sống của chúng tôi, từ nghề đánh bắt thủy hải sản cho đến du lịch", Hironori Matsura, quan chức bộ phận chống thảm họa làm việc tại tòa nhà thị chính Erimo, nói.
Đầu bếp sushi Oya thì nghĩ rằng công việc kinh doanh nhà hàng sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực vì đa số các thực khách đều là người địa phương. Nhưng Oya thừa nhận rằng các vụ phóng thử tên lửa sẽ khiến khách du lịch ngần ngại đến Hokkaido.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tỏ ra hoang mang, có người vẫn vững tin rằng cuộc sống sẽ tiếp diễn như nó vốn có.
Ông Saito, chủ thuyền đánh cá, cho biết tên lửa Triều Tiên đã trở thành chủ đề chính trong các câu chuyện của người dân trên đảo nhưng khẳng định: "Không ai thực sự nhắc đến việc dừng hẳn hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh cả".
An Hồng