Có theo nghiệp nhạc mới biết dân Nhạc viện học lâu hơn cả trường Y, còn tốn kém thì chẳng thua gì Kiến trúc. Nếu theo đuổi trọn vẹn từ ngày vào sơ cấp cho đến khi hoàn thành bằng cử nhân tại Nhạc viện Hà Nội, sẽ phải mất ít nhất 15 năm đèn sách. Không phải bất cứ sinh viên nào cũng có nhà ở thủ đô, rồi trăm thứ chi phí của một nghệ sĩ khiến chuyện làm thêm đối với dân Nhạc viện như một điều hiển nhiên.
|
Được giữ lại trường làm giảng viên là mơ ước của hầu hết sinh viên Nhạc viện. (Ảnh minh hoạ). |
Mỗi khoa trong Nhạc viện có một thế mạnh riêng nhưng nếu nói đến mức độ… dễ kiếm tiền thì Thanh nhạc vẫn là số một. Tuy từ trước đến nay, dân trong nghề thường nhận xét rằng riêng khoản nhạc nhẹ thì Cao đẳng nghệ thuật Quân đội vẫn mạnh hơn Nhạc viện Hà Nội vốn có truyền thống opera. Tuy nhiên, với uy tín “thương hiệu” cùng nhiều giọng ca đã thành danh nên sinh viên Nhạc viện vẫn khá đắt sô. Phần đông dân Thanh nhạc đang đều đặn "cày cuốc" ở các quán bar, vũ trường, tụ điểm ca nhạc và sẵn sàng chấp nhận hát lót cho các "sao" thị trường. Họ thường xác định rằng việc đi hát như vậy hoàn toàn chỉ mang mục đích mưu sinh trong lúc chờ đợi cơ hội nổi tiếng nhờ lọt mắt xanh một bầu show nào đó, hoặc đoạt giải cao tại các cuộc thi Tiếng hát truyền hình. Ước mơ đốt cháy giai đoạn, những cám dỗ chết người tại các tụ điểm ăn chơi đôi lúc đã khiến một số nghệ sĩ trẻ không còn giữ được sự tỉnh táo. Họ sẵn sàng bon chen, đánh đổi bằng mọi giá để đạt được tham vọng của mình. Chính những thiểu số này đã làm một bộ phận xã hội có cái nhìn thiên kiến với dân nhạc.
Không đại chúng như thanh nhạc nhưng sinh viên khoa Piano cũng nổi tiếng bởi sự năng động. Có một thống kê vui rằng con gái học dương cầm có số “tiểu thư” bởi phần lớn nữ sinh piano lấy được chồng là những đại gia. Không nói chuyện trai tài, gái sắc gặp nhau thì riêng vẻ đẹp đài các, sang trọng mà các bà vợ nghệ sĩ mang lại cũng đã góp phần khẳng định vị thế của ông chồng. Tuy vậy, đa số sinh viên piano vẫn ngày ngày bươn chải, kiếm tiền ăn học bằng chính cái nghiệp của mình. Môi trường biểu diễn của dân piano có phần thuần hơn khi các khán phòng phần lớn là ở những quán cà phê sang trọng hoặc các khách sạn lớn. Dù vậy, theo lời anh Hùng, một giảng viên trẻ của khoa piano, thì đa số sinh viên chỉ đi đánh tụ điểm trong những năm trung cấp còn về sau thường chuyển sang nghề gia sư bởi lý do “chơi ở quán dễ xuống tay và mắc bệnh thoả mãn. Thông thường những người học piano ngày nào cũng phải tập đàn khoảng 5 giờ đồng hồ với độ khó tăng dần. Nếu biểu diễn ở quán xá thì phần lớn chỉ đánh những bài phổ thông nên trình độ chẳng cải thiện được nhiều. Ở những nước phát triển, nếu sinh viên nhạc đã học đến trình độ hàn lâm (academic) thì việc chơi nhạc ở ngoài bị cấm tuyệt đối”. Nói là vậy nhưng vào thời sinh viên, để kiếm tiền ăn học, Hùng cũng từng có 4 năm chơi nhạc ở Metropole và có thời gian làm thêm cả nghề tối kỵ với dân chơi đàn: HLV thể hình.
Những năm gần đây đã xuất hiện mốt đầu tư cho con cái học dương cầm ở một số gia đình khá giả ở thành phố. Những sinh viên giỏi của khoa piano lập tức có giá khi phải chạy sô gia sư đến "tối tăm mặt mũi". Với giá trung bình 100 nghìn đồng mỗi giờ, chỉ cần dạy 2 ca một ngày là cuối tháng các nghệ sĩ trẻ cũng có một khoản thu nhập kha khá. Những người có uy tín hơn còn có "mối" dạy đàn cho người nước ngoài với học phí lên tới hàng chục USD một buổi. Tuy vậy, với bản chất nhạy cảm của giới nghệ sĩ, sinh viên Nhạc viện cũng phải trải qua không ít "tai nạn nghề nghiệp" trong những lần đi dạy. Hùng từng từ chối thẳng thừng những hợp đồng hậu hĩnh khi thấy gia đình học sinh tỏ ra hợm của, trọc phú. Còn Lan, cô sinh viên xinh xắn lọt vào "mắt xanh" của ông chủ và đã phải nghỉ học một thời gian để "trốn tình".
Giới chơi đàn ở Hà Nội hầu như ai cũng biết tiếng Lâm, cựu sinh viên khoa Piano nhưng lại lập nghiệp với nghề sửa đàn. Không chỉ kén người chơi, đàn piano cũng được ví như một cô tiểu thư quý tộc khi đòi hỏi người sử dụng phải hết sức nâng niu, giữ gìn. Với khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam, đàn lại rất nhanh xuống cấp và đòi hỏi phải bảo dưỡng thường xuyên. Sử dụng một thời gian, người chơi phải căn chỉnh lại dây hoặc thay mới lớp dạ của đàn. Tuy nhiên, việc căng dây, chỉnh âm thì chẳng phải ai cũng làm được, kể cả người đó có biết chơi đàn đi chăng nữa. Nắm bắt nhu cầu này, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện, Lâm đã bỏ tiền túi sang Nhật học một lớp sửa đàn piano. Với khả năng thẩm âm chính xác và kinh nghiệm trong thời gian du học, hiện Lâm được coi là một trong những tay sửa piano "đỉnh" nhất Hà Nội. Thông thường, những "thợ piano" cũng kèm theo nghề môi giới hoặc bán loại đàn quý tộc này. Thị trường piano Hà Nội phần lớn nằm trong tay một số giảng viên của Nhạc viện với thương hiệu khá nổi của thày T.V., cô giáo V.. Theo Lâm, nhiều người thích mua đàn của dân nhạc viện bởi giá cả hợp lý (khoảng 2.000 USD là có được chiếc Yamaha second hand chơi được), chế độ bảo hành còn tốt hơn đại lý chính hãng.
Tuy phải lăn lộn với cuộc sống nhưng khi được hỏi thì hầu hết sinh viên Nhạc viện đều mơ ước được trở thành giảng viên của trường dù tiêu chuẩn chọn lựa rất khắt khe và thu nhập còn thấp. "Phấn đấu để được giữ lại trường là niềm tự hào của sinh viên Nhạc viện. Chỉ khi làm giảng viên trong trường bạn mới được sống trong môi trường kinh viện và có điều kiện tiếp xúc với những kiến thức đỉnh cao. Đã có thực tài thì chuyện kiếm tiền cũng chẳng phải là khó. Cứ nhìn tấm gương thày Trọng Tấn đấy, không cần lăng-xê, hát nhạc đỏ nhưng mới đây cũng đã lên đời 'con' Camry bóng loáng", một sinh viên tâm sự.
(Theo Ngoisao.net)