- Ông từng có hai lần chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn ở quê hương mình – Nhật Bản (2004, 2008). Cảm xúc ông thế nào khi lần thứ ba về diễn ở quê nhà trong khuôn khổ Hòa nhạc Toyota 2013?
- Lần lưu diễn đầu tiên ở Nhật Bản của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam là vào năm 2004 trong khuôn khổ Tuần lễ các Dàn nhạc châu Á ở Tokyo và Osaka. Lần tiếp theo năm 2008 là nhân Liên hoan âm nhạc La Folle Journee ở diễn đàn toàn cầu Tokyo.
Cá nhân tôi luôn đánh giá cao Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong suốt 16 năm qua. Chúng tôi cùng trải qua nhiều chương trình có ý nghĩa và đẳng cấp như Hòa nhạc Toyota. Tôi hy vọng rằng nhạc cổ điển ở Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều khán thính giả hơn nữa.
- Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ dừng chân ở những địa điểm nào tại Nhật Bản lần này?
- Năm nay là dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ hữu nghị Việt – Nhật nên chúng tôi sẽ có chuyến lưu diễn lớn vòng quanh nước Nhật. Điểm bắt đầu là Nhà hát Yokohama Minato Mirai vào đúng ngày kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tiếp đó, chúng tôi sẽ lưu diễn ở Koriyama (Fukushima), Osaka, Nagoya, Tokyo, Kunitachi và Nara.
Địa điểm biểu diễn của chúng tôi ở Nara là Ban thờ chính của chùa Todaiji. Chúng tôi sẽ chơi bản chuyển soạn bài dân ca Việt Nam Vào chùa của NSƯT Ngô Hoàng Quân dành cho dàn nhạc giao hưởng ở ngay trước tượng Phật.
- Trong các chương trình của Hòa nhạc Toyota từ trước đến nay, bên cạnh các tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới thì luôn có một tác phẩm dân ca Việt Nam được chuyển soạn cho dàn nhạc biểu diễn. Ý tưởng này xuất phát từ đâu?
- Chúng tôi luôn cố gắng lựa chọn biểu diễn các bản nhạc của các nhà soạn nhạc Việt Nam. Đôi khi chúng tôi cũng đặt hàng các nhà soạn nhạc Việt Nam sáng tác các bản nhạc mới và chuyển soạn một số bài dân ca Việt Nam cho dàn nhạc giao hưởng để trình diễn như những bản nhạc chính trong các chuyến lưu diễn.
Tôi muốn Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam giữ mãi hồn Việt, thậm chí cả khi đã trở thành dàn nhạc mang tầm cỡ quốc tế. Cá nhân tôi nghĩ việc “quốc tế hóa” không phải điều đáng lo ngại đối với các nghệ sĩ Việt Nam hiện nay.
- Từng chỉ huy nhiều dàn nhạc danh tiếng trên thế giới, tại sao ông quyết định gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trên cương vị Giám đốc âm nhạc và chỉ huy chính suốt bốn năm nay?
- Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã tiếp thêm năng lượng và mang tới niềm vui cho tôi. Họ không chỉ là những nghệ sĩ giỏi mà còn là những người bạn rất tuyệt vời. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam ngày hôm nay đã khác rất nhiều so với 12 năm trước, khi tôi bắt đầu làm việc cùng dàn nhạc với tư cách cố vấn âm nhạc và chỉ huy.
Dàn nhạc đang thực hiện rất nhiều chương trình âm nhạc hàng năm và các tour lưu diễn quốc tế. Chính vì thế, chất lượng biểu diễn của dàn nhạc ngày càng được nâng cao cũng như có cơ hội tiệm cận với tầm quốc tế.
- Đồng hành Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong một thời gian không ngắn, ông nhận xét gì về sự phát triển của họ?
- Gần đây tôi luôn cảm nhận được những thanh âm hòa quyện tuyệt vời khi chỉ huy dàn nhạc. Tất nhiên, còn rất nhiều thứ phải làm để không ngừng nâng cao chất lượng biểu diễn của dàn nhạc và điều này sẽ phải tiến hành liên tục, không bao giờ được tự hài lòng với chính mình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa những tiết mục trình diễn và tạo thêm nhiều cơ hội được biểu diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Tôi tin rằng Hòa nhạc Toyota và những tour lưu diễn quốc tế, mục tiêu đưa Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trở thành một dàn nhạc uy tín, chất lượng, tầm cỡ khu vực và quốc tế sẽ có thể đạt được trong tương lai không xa.
Hòa nhạc Toyota lần thứ 16 tại Việt Nam vừa có đêm diễn đầu tiên tối 30/7 ở TP HCM. Gương mặt đặc biệt xuất hiện trong chương trình năm nay là Đỗ Phương Nhi, tài năng trẻ violin 15 tuổi. Hai đêm nhạc tiếp theo diễn ra tại Hà Nội vào tối 2/8 và 3/8 ở Nhà Hát Lớn. Toàn bộ số tiền thu được từ các đêm diễn sẽ được đóng góp vào Quỹ hỗ trợ tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam. Vào trung tuần tháng 9, chương trình sẽ đi tới bẩy thành phố ở Nhật Bản. |
Nguyên Minh thực hiện