Thứ sáu, 22/11/2024
Chủ nhật, 27/10/2024, 12:27 (GMT+7)

Dàn mỹ nhân diễn trang phục văn hóa dân tộc

TP HCMHoa hậu Khánh Vân, Lương Thùy Linh, Bảo Ngọc diễn trang phục cảm hứng văn hóa dân gian, tái hiện cuộc sống đời thường.

Tối 26/10, các người đẹp tham gia trình diễn trang phục văn hóa dân tộc thuộc khuôn khổ Hoa hậu quốc gia Việt Nam 2024, cùng 60 thí sinh. Hoa hậu Khánh Vân diễn thiết kế Nam hải ngọc lân của tác giả Khoa Lỗ, lấy cảm hứng từ phong tục thờ cá ông của ngư dân vùng duyên hải.

Điểm nhấn tác phẩm là phần khung lớn mô phỏng hình ảnh cá voi, cùng họa tiết sóng biển. Tác giả nói muốn truyền tải thông điệp bảo tồn loài sinh vật biển, góp phần chống biến đổi khí hậu.

Khánh Vân diễn trang phục dân tộc "Nam hải ngọc lân"
 
 

Màn trình diễn của Khánh Vân. Video: Sen Vàng

Miss World Vietnam 2019 Lương Thùy Linh thể hiện Ánh đuốc trên ngàn của Nguyễn Thành Đạt Anh. Trang phục được khơi nguồn sáng tạo từ phong tục tín ngưỡng thờ mẫu lâu đời.

Hoa hậu Liên lục địa 2022 Lê Nguyễn Bảo Ngọc trình diễn thiết kế Cửu long ẩn vân. Tác phẩm do Nguyễn Song Huy thực hiện, lấy cảm hứng từ bức tranh cùng tên do họa sĩ Phan Văn Tánh vẽ dưới thời vua Khải Định với hình ảnh chín con rồng ẩn hiện trong mây.

Á hậu Phạm Ngọc Phương Anh diễn Miền đá nở hoa của Bùi Thế Bảo và Nguyễn Nguyên Bảo. Tác giả lấy ý tưởng dựa trên điệu múa khèn cùng chiếc dù đặc trưng của người Mông vào dịp lễ hội. Phương Anh có màn tái hiện cánh đào rừng tung bay trong gió trên sân khấu, nhận tiếng cổ vũ lớn của khán giả.

Điệu hát thần tiên của Nguyễn Trung Thành lấy cảm hứng từ hát then - loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian của vùng cao phía Bắc, nội dung cầu may mắn. Trang phục do Á hậu Lê Phan Hạnh Nguyên trình diễn.

Bùi Khánh Linh diễn Ngưu quyền của Huỳnh Hải Dương. Theo tác giả, từ ngàn xưa, hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau đã gắn với lao động sản xuất của nông dân. Thiết kế có điểm nhấn gồm chi tiết mô phỏng chiếc sừng, đầu của một chú trâu. Đôi giày của Khánh Linh làm giống chiếc móng trâu.

Á hậu Liên lục địa 2023 - Lê Nguyễn Ngọc Hằng - thể hiện Thang Hồng Thái của Ngô Hải Đăng. Trang phục lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang Hồng Thái ở vùng Tây Bắc. Tác giả kết hợp áo yếm với chân váy, họa tiết cánh đồng lúa xanh, mang ý nghĩa báo hiệu mùa màng bội thu.

Á hậu Lâm Thị Bích Tuyền nói hào hứng khi thể hiện Tinh túy mùa nước lên của Huỳnh Tấn Phát. Trang phục phác họa khung cảnh thiên nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi độ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mekông đổ về, mang theo phù sa cùng nguồn thực phẩm dồi dào như cá linh, bông điên điển.

Á hậu Ánh Vương catwalk với trang phục Đan tay của Vi Duy Ngân. Theo tác giả, nghệ thuật đan lát từ lâu trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống, là biểu tượng cho sự cần cù, khéo léo của người Việt.

Trang phục Chiến binh dừa lấy cảm hứng từ loài cây quen thuộc tại các vùng quê Việt Nam. Dù đứng giữa thiên nhiên, dừa vẫn vươn mình đón ánh nắng. Thiết kế của tác giả Nguyễn Thái Nhạc do Á hậu Chế Nguyễn Quỳnh Châu trình diễn.

Á hậu Trương Quí Minh Nhàn được giao Sắc chàm của Hoàng Lục Huân. Tác giả lấy cảm hứng từ dòng vải chàm, thường được dùng để làm trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày.

Người đẹp Lê Hồng Hạnh thể hiện Bạch hổ của Phan Gia Vỹ, lấy cảm hứng từ tác phẩm Bạch Hổ thần tướng trong dòng tranh dân gian Hàng Trống. Thiết kế sử dụng tông màu trắng chủ đạo, kết hợp phom áo yếm.

Á hậu Trần Nguyên Minh Thư thể hiện Cốm nổ của Võ Hoàng Duy, gợi cho nhiều người về ký ức tuổi thơ qua nghề nổ cốm quen thuộc.

Vòng tuyển chọn Trang phục văn hóa dân tộc của cuộc thi diễn ra từ tháng 8. Ban giám khảo chọn 73 trang phục vào vòng trình diễn. Sáu nhà thiết kế gồm Vũ Việt Hà, Văn Thành Công, Phạm Sĩ Toàn, Huỳnh Bảo Toàn, Nguyễn Minh Công, Tín Thái làm cố vấn, giúp các tác giả trẻ hoàn thiện tác phẩm. Trang phục chiến thắng sẽ được công bố tại chung kết cuộc thi vào tháng 12, sau đó tân Hoa hậu Quốc gia Việt Nam sẽ mang trang phục đến với Miss International 2025.

Tân Cao
Ảnh: Viết Quý Team