Chiều 9/10, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi đối thoại với người dân đại diện cho 1.740 hộ dân quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Động thái này diễn ra sau khi người dân xuống đường chặn xe chở rác ra vào bãi.
Chính quyền quận Liên Chiểu thông báo sẽ hỗ trợ không thu học phí cho 2.110 học sinh từ mầm non đến hết THPT, không thu phí vệ sinh môi trường, hỗ trợ 2m3 nước cho các hộ dân với tổng kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng/năm. Công ty cổ phần môi trường đô thị nói đã phun chế phẩm xử lý mùi hôi, bùn thải có khu vực đổ riêng, đồng thời sẽ phủ bạt các đống rác mới trước ngày 20/10 theo yêu cầu.
Dân mời lãnh đạo xuống ở cùng
Hơn 100 người dân ngồi kín hội trường ủy ban phường, trật tự chờ đợi được bày tỏ bức xúc trong lòng. "Sau lưng sự nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng là sự chịu đựng của hàng nghìn hộ dân Khánh Sơn. Điều đó có công bằng với người dân chúng tôi hay không", bà Nguyễn Thị Thành, tổ 162, nêu câu hỏi.
Bà Thành nói, tròn ba năm trước, cũng Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn về đối thoại với dân Khánh Sơn. Người dân đứng ra đường chặn xe chở rác thì thành phố mới chịu về gặp. Mùi hôi thối khi đối thoại thì không còn, nhưng chỉ sau vài ngày thì đâu lại vào đó.
Nhắc lại chuyện Giám đốc Sở Môi trường Nguyễn Điểu khi đó thông báo sẽ cho xây dựng hai lò đốt rác thải y tế, bà Thành nói chính bà phản ứng tức thì rằng người dân không thể cõng thêm rác cho thành phố nữa. Hai lò đốt rác sau đó vẫn mọc lên, và người dân "ngày nào cũng phải sống trong khói bụi như thời bom đạn".
"Thành phố hỗ trợ mấy cũng không bù được những thiệt thòi, bệnh tật cho người dân sống chung ô nhiễm 28 năm qua. Cái chúng tôi cần là nguồn nước và không khí trong lành", bà Thành nói.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (tổ 70) cho biết có nhiều đêm không chịu nổi mùi hôi từ bãi rác bốc ra, buộc phải gọi điện cho lãnh đạo quận và rất hiệu nghiệm là "chỉ một đến hai tiếng sau" là hết mùi hôi. Nhưng không khí đáng tận hưởng đó cũng không kéo dài được nhiều ngày.
"Tôi xin mời lãnh đạo thành phố về sống với dân Khánh Sơn đôi ba ngày, để biết nỗi khổ chúng tôi đã phải gánh chịu ngần ấy năm. Chờ thành phố di dời bãi rác lâu quá, tôi cũng xin chính quyền cho chúng tôi chặn xe, vì chỉ khi chặn xe thì mới khỏi phải hít mùi hôi trong chốc lát", bà Hạnh bức xúc.
Chính quyền thất hứa
Khánh Sơn đang thu gom tất cả rác thải đô thị của thành phố Đà Nẵng, với trên dưới 900 tấn rác/ngày. Bức xúc chuyện sau ba năm đối thoại của Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, lời hứa xử lý hết ô nhiễm ở bãi rác vẫn chưa được thực hiện, ông Nguyễn Đức Trung (tổ 70) nói việc thành phố hứa nhưng không làm khiến người dân bây giờ "không biết tin ai".
Theo ông Trung, người dân Khánh Sơn trước đây hiền lành, cuộc sống dựa vào nông nghiệp. Từ khi thành phố đưa nhà máy rác về, dân phải nhường đất nông nghiệp, rồi phải lao ra đường chặn xe rác và bị mang tiếng là hung dữ. "Chúng tôi đâu có rảnh để đi chặn xe. Nhưng nếu không lao ra đường phản ứng như thế, liệu lãnh đạo thành phố có chịu về đối thoại", ông nói.
Một người dân khác lên tiếng, thời ông Nguyễn Xuân Anh lên Bí thư Thành ủy cũng đã về thị sát bãi rác, rồi cũng hứa xử lý ô nhiễm. "Ông đã bị cách chức, nhẽ nào chúng tôi lại đi tìm? Bây giờ thành phố trả lời dân bằng văn bản, không hứa miệng nữa", ông nói.
Bà Hồ Thị Hiệp thẳng thắn yêu cầu di dời nhà máy: "Lãnh đạo thành phố hứa di dời bãi rác trước 2019, đến nay còn 3 tháng nữa thì nói cho dân biết có di dời được không?". Sau mỗi ý kiến, người dân đều vỗ tay đồng tình.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, lộ trình di dời nhà máy xử lý rác Khánh Sơn đang phải bàn kỹ hơn và có sự thống nhất của HĐND, UBND TP Đà Nẵng. "Tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ ký văn bản kéo dài thời gian di dời bãi rác đến năm 2022", ông Tuấn chưa dứt lời, phía dưới đã có nhiều người dân ồ lên phản ứng.
Lý giải câu chuyện lùi thời gian di dời bãi rác Khánh Sơn, ông Tuấn nói có nhiều lý do, trong đó có việc chưa chọn được địa điểm xây dựng khu xử lý mới, rồi đến công nghệ, nguồn lực để thực hiện.
Sẽ thay Giám đốc Xí nghiệp nếu còn ô nhiễm
Lãnh đạo Đà Nẵng đã yêu cầu Công ty cổ phần Môi trường đô thị lắp đặt hai camera quan sát 360 độ tại khu vực bãi đổ rác hiện tại để giám sát việc xử lý rác thải, đồng thời thu hẹp phạm vi đổ rác còn khoảng 2.000 m2, phủ đất với tần suất 2 ngày/lần.
Thành phố cũng đã họp kiểm điểm trách nhiệm của Ban lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý bãi và Xử lý chất thải vào ngày 28/9. Theo đó, nếu còn người dân phản ánh về mùi hôi cũng như thái độ làm việc sẽ thay thế Giám đốc Xí nghiệp.
Ông Tuấn nói, trước đây việc xử lý ô nhiễm môi trường ở bãi rác không đúng quy trình. Bây giờ phải để người dân và các đoàn thể giám sát xem phía Xí nghiệp có làm đúng hay không. Thành phố đã đầu tư khu xử lý nước rỉ rác khoảng 90 tỷ đồng, công suất 700 m3/ngày, sẽ đưa vào vận hành trong tháng 10.
"Có ý kiến nói nên làm mương kín dẫn nước rỉ rác đã qua xử lý xuống hạ nguồn. Nhưng theo tôi nếu nước thải đã được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn rồi thì cứ để mương hở để người dân còn giám sát. Làm kín rồi lại xả nước ô nhiễm thì người dân cuối nguồn lại phải gánh chịu", ông Tuấn đề nghị.
Phó chủ tịch thành phố đề nghị Sở Y tế cùng đoàn chuyên gia xuống kiểm tra sức khỏe cho người dân trong vùng. Quận Liên Chiểu phải ban hành văn bản chính sách hỗ trợ cho người dân. "Những hỗ trợ này chỉ bù đắp được một phần thôi, chứ không thể vơi hết nỗi khổ suốt 28 năm qua", lãnh đạo thành phố động viên.