Hòn đảo khổng lồ mang tên Lynetteholm sẽ nối với đất liền thông qua đường vành đai, đường hầm và đường tàu điện ngầm. Việc quốc hội Đan Mạch thông qua kế hoạch xây đảo sẽ mở đường cho dự án rộng 2,6 km2 bắt đầu thi công vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, dự án đang vấp phải sự phản đối của các chuyên gia bảo vệ môi trường. Họ bày tỏ lo ngại về tác động của công trình. Kế hoạch xây Lynetteholm bao gồm một hệ thống đập nước quanh chu vi đảo, nhằm mục đích bảo vệ cảng trước mực nước biển dâng cao và sóng trào. Nếu công trình thi công theo kế hoạch, phần lớn nền móng của hòn đảo ngoài khơi sẽ được xây xong vào năm 2035, tiến tới hoàn thành dự án năm 2070.
Các tổ chức môi trường lo ngại quá trình vận chuyển vật liệu bằng đường bộ sẽ cần huy động lượng lớn phương tiện. Một đánh giá môi trường tính toán cần 350 chuyến xe tải chạy qua Copenhagen một ngày để vận chuyển vật liệu thô khi bắt đầu thi công. Việc xây dựng đảo nhân tạo lớn cỡ 400 sân bóng đá sẽ đòi hỏi khoảng 80 triệu tấn đất vận chuyển tới khu vực thi công để tạo ra bán đảo.
Những chuyên gia môi trường cũng lo ngại về việc dịch chuyển trầm tích ở biển kèm theo tác động tiềm ẩn đối với hệ sinh thái và chất lượng nước. Nhóm người phản đối kế hoạch tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Copenhagen khi các nghị sĩ thông qua dự án với số phiếu tán thành là 85 và phản đối là 12.
Carina Christensen, người đứng đầu Hiệp hội vận chuyển hàng hóa đường bộ Đan Mạch (IDT), cho biết một phương án khả thi là sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường khi vận chuyển vật liệu xây dựng đảo Lynetteholm. Ví dụ, xe tải điện sẽ không thải khí CO2 và giảm bớt tiếng ồn, nhưng đổi lại chi phí sẽ cao hơn và cần đi nhiều chuyến hơn.
An Khang (Theo BBC)