"Người Ukraine đang đề nghị chúng ta cung cấp đạn dược và pháo ngay bây giờ. Về phía Đan Mạch, chúng tôi quyết định sẽ chuyển giao cho Ukraine toàn bộ pháo chúng tôi có", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức hôm 18/2.
Bà Frederiksen không cho biết Đan Mạch còn bao nhiêu pháo và đạn được trong kho, cũng như không đề cập thời điểm chuyển giao.
"Kho của các nước châu Âu vẫn còn đạn. Đây không chỉ là vấn đề về năng lực sản xuất, chúng ta có vũ khí, đạn dược và hệ thống phòng không chưa cần sử dụng và nên viện trợ chúng cho Ukraine", Thủ tướng Đan Mạch nói thêm.
Tổng thống CH Czech Petr Pavel cùng ngày cho biết nước này có khoảng nửa triệu viên đạn pháo 155 mm và 300.000 đạn 152 mm trong kho, thêm rằng có thể chuyển chúng cho Ukraine "trong vài tuần" nếu nhận được tài trợ.
Đan Mạch là một trong các nước ủng hộ mạnh mẽ Ukraine sau khi chiến sự tại nước này bùng phát. Theo số liệu của cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức, Copenhagen đã cam kết viện trợ cho Kiev thêm 3,8 tỷ USD tính từ tháng 11/2023, đưa Đan Mạch trở thành quốc gia viện trợ quân sự lớn bậc nhất cho Ukraine xét theo tỷ trọng GDP.
Tính từ đầu xung đột, nước này đã cam kết viện trợ quân sự tổng cộng khoảng 9 tỷ USD cho Kiev, trong đó hơn một nửa đã được phân bổ.
Cam kết viện trợ mới được Đan Mạch công bố trong bối cảnh quân đội Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường, một phần do thiếu hụt vũ khí và đạn dược. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 17/2 cho biết quân đội Ukraine phải rút quân khỏi Avdeevka, thành phố chiến lược ở tỉnh Donetsk, do không có đủ khí tài, đặc biệt là pháo và các loại vũ khí tầm xa.
"Lực lượng Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể buộc Nga phải rút lui", ông nhấn mạnh. "Hoạt động của chúng tôi chỉ bị giới hạn bởi việc thiếu vũ khí và tầm xa của vũ khí chưa đủ. Tình hình tại Avdeevka đã chứng minh điều này".
Tướng Oleksandr Tarnavsky, tư lệnh nhóm tác chiến - chiến lược Tavria phụ trách mặt trận miền đông của Ukraine, cũng khẳng định lợi thế áp đảo về hỏa lực đạn pháo của Moskva là một trong các nguyên nhân khiến Kiev quyết định ngừng cố thủ ở Avdeevka.
Quan chức này tháng 12/2023 cho biết lực lượng Ukraine ở mặt trận đông nam phải thu hẹp quy mô tác chiến và chuyển sang thế phòng thủ do thiếu hụt đạn pháo trên tiền tuyến, đặc biệt là đạn cỡ 122 mm và 155 mm chuẩn Liên Xô.
Ukraine rơi vào tình trạng này một phần do nguồn cung từ phương Tây sụt giảm. Liên minh châu Âu (EU) tháng 3 năm ngoái đã cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine một triệu viên đạn pháo 155 mm sau 12 tháng, song dự kiến chỉ có thể đáp ứng một nửa con số đó.
Gói viện trợ quân sự tiếp theo của Mỹ, quốc gia hậu thuẫn Ukraine mạnh mẽ nhất từ đầu xung đột, cũng đang mắc kẹt tại quốc hội do vấp phải phản đối của đảng Cộng hòa.
Phạm Giang (Theo Business Insider, Kyiv Independent)