Trong báo cáo đánh giá mối đe dọa thường niên công bố ngày 29/11, Cục Tình báo Quốc phòng Đan Mạch (FE) cảnh báo Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động thám hiểm nghiên cứu ở Bắc Cực với "mục tiêu kép", kết hợp giữa hoạt động quân sự và nghiên cứu khoa học.

Tuyết bao phủ ngọn núi ở thị trấn Tasiilaq, Greenland ngày 15/6/2018. Ảnh: Reuters.
Lars Findsen, người đứng đầu FE, cho biết quân đội Trung Quốc ngày càng quan tâm tới các hoạt động nghiên cứu ở Bắc Cực, gọi đây là "động thái mới" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể quân đội Trung Quốc đã tham gia vào các chuyến tham hiểm Bắc Cực nào.
"Đây có thể là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm thu thập kiến thức, tăng cường khả năng hoạt động ở Bắc Cực dưới hình thức phối hợp giữa lực lượng dân sự và quân sự", theo báo cáo của FE.
Bên cạnh đó, FE cảnh báo cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga làm leo thang căng thẳng ở Bắc Cực.
Chính phủ Đan Mạch mong muốn duy trì Bắc Cực là một vùng hợp tác quốc tế và giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh thông qua đàm phán giữa các quốc gia có liên quan. Tuy nhiên, Đan Mạch khó có thể đạt được mục tiêu này do Nga tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực, theo FE.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 5 cáo buộc Nga có hành động khiêu khích ở Bắc Cực và cần phải theo dõi sát sao động thái của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị mua đảo Greenland của Đan Mạch, nhưng Copenhagen lập tức từ chối đề nghị của Trump.
Trong khi đó, Trung Quốc tự nhận là "quốc gia cận Bắc Cực" và có tham vọng tiếp cận những nguồn tài nguyên chưa khai thác ở khu vực này. Năm 2017, Bắc Kinh đưa tuyến đường biển Bắc Cực vào Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trân Châu (Theo Reuters)