Những mạng lưới đường xá rộng khắp nơi luôn có làn dành cho xe đạp, thậm chí những con đường cao tốc của xe đạp khiến chúng trở nên vô cùng tiện lợi.
Theo thống kê của Diễn đàn kinh tế thế giới gần nhất năm 2018, có tới 675.000 xe đạp so với chỉ 120.000 ôtô ở Copenhagen, tức lượng xe đạp gấp hơn 5 lần ôtô. Gần một phần ba (29%) tất cả các cuộc hành trình trên đất Copenhagen được thực hiện bằng xe đạp và 41% chặng đường đi làm (hoặc đi học) của mọi người là kết quả của sức đạp. Đối với những người sống cũng như làm việc hoặc học tập tại Copenhagen, tỷ lệ đó thậm chí còn cao hơn, lên tới 62%. Mỗi ngày, những người đi xe đạp ở Copenhagen đã đi tổng cộng 1,4 triệu km trong năm 2016, tăng 22% so với 10 năm trước đó.
Trung bình mỗi người dân Đan Mạch một ngày đạp xe 1,6 km. Cứ 10 người dân nước này thì có tới 9 người sở hữu xe đạp. Có khoảng 12.000 km đường dành riêng cho xe đạp trên khắp cả nước. Riêng thủ đô Copenhagen có 400 km.
Xe đạp là một trong những phương tiện giao thông chính ở quốc gia Bắc Âu này. Dù là những ngày nắng đẹp, mưa bão hay tuyết rơi, bạn sẽ luôn thấy mọi người gắn liền với chúng khi đi làm, mua sắm hay tới các sự kiện đông người. "Xe đạp là người bạn thân nhất của mỗi người dân Đan Mạch", Denmark.dk - trang web chính thức của nước này viết. Cũng phải kể đến thực tế là phần lớn địa hình đất nước là bằng phẳng, tạo điều kiện cho xe đạp phát triển.
Mọi người dùng rất nhiều loại xe đạp khác nhau. Từ những mẫu xe đua cho tới dạng có thùng lớn để chở hàng và trẻ em. Vào giờ cao điểm, những làn đường xe đạp ở thủ đô Copenhagen cũng đông đúc chẳng kém những thành phố nhộn nhịp xe hơi khác trên thế giới.
Văn hóa 100 năm đạp xe
Xe đạp lần đầu tiên được giới thiệu tại Đan Mạch vào năm 1880, sau đó suốt quãng thời gian 1920-1930, chúng trở thành biểu tượng của sự bình đẳng và tự do. Mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội đạp xe bên nhau, những người thành phố đạp xe đi làm, những người ở làng quê đạp xe thong dong trong những ngày nghỉ.
Tới những năm 1950 khi tài sản gia tăng, một số người Đan Mạch thay thế xe đạp bằng xe máy và ôtô. Cũng giống như các giới chức khác trên khắp thế giới, các nhà quy hoạch đô thị Đan Mạch tin rằng tương lai thuộc về ôtô, xe tải và những con đường cao tốc ngày càng rộng lớn.
Tuy nhiên vào đầu những năm 1970, cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã chấm dứt sự phát triển đó. Sáng kiến "Ngày Chủ nhật không ôtô" đã được giới thiệu ở Copenhagen, từ đó nhiều người người biểu tình đưa ra yêu cầu thủ đô Đan Mạch sẽ phải trở thành một thành phố không ôtô hoàn toàn. Stroget, khu phố mua sắm chính ở Copenhagen đã biến thành nơi chỉ dành cho người đi bộ vào năm 1962.
Thời gian sau đó, những lo ngại về ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và nhu cầu được tập thể dục của những nhân viên văn phòng đã giúp xe đạp trở lại ngoạn mục. Việc Đan Mạch đánh thuế cao đối với xăng dầu và ôtô cũng là một yếu tố thúc đẩy loại phương tiện giao thông xanh này.
Lớn lên trên những chiếc xe đạp
Ngày nay, xe đạp trở thành một phần văn hóa sâu sắc của Đan Mạch. Những đứa trẻ sinh ra luôn được khuyến khích để học cách đạp xe ngay khi chúng có thể, thường là sớm hơn rất nhiều trước khi lên 6 – độ tuổi tới trường. Cho tới khi đó, trẻ em sẽ được các bậc cha mẹ chở đi trên chiếc ghế nhỏ gắn với xe đạp hàng ngày.
Một giải pháp thay thế khác cho các gia đình có trẻ em là xe đạp chở hàng - một loại xe ba bánh ngoại cỡ với hộp gỗ lớn phía trước được phát minh vào những năm 1980 tại Freetown of Christiania ở Copenhagen. Người ta ước tính rằng một phần tư các gia đình Copenhagen có hai con trở lên sở hữu một trong những chiếc xe đạp chở hàng loại này để chở trẻ em, hàng tạp hóa và các nhu yếu phẩm khác. Xe đạp chở hàng của Đan Mạch cũng đã giành được các giải thưởng về thiết kế và trở thành một sản phẩm xuất khẩu rất thành công.
Trước khi điều khiển một chiếc xe đạp thực tế, trẻ em ở độ tuổi 2-3 thường bắt đầu với những chiếc xe đạp nhỏ hơn không có bàn đạp để chúng học cách giữ thăng bằng. Ở trường, trẻ em được học về luật lệ giao thông, an toàn giao thông đường bộ và tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm cũng như thói quen đi xe đạp. Đối với người lớn, việc họ có nhớ các quy tắc này không lại là một câu hỏi hoàn toàn khác.
Thống kê cho thấy, từ 2006-2016, ý thức an toàn của người đi xe đạp như ở thủ đô Copenhagen đã tăng lên rất nhiều, từ 53% lên 76% số người được điều tra. Nhưng hội đồng thành phố muốn thấy con số đó tăng lên 90% vào năm 2025 để đạt điểm trung hòa carbon.
Những siêu xa lộ xe đạp
Để phục vụ số lượng lớn người đi xe đạp, các nhà quy hoạch đô thị hiện đại ở Đan Mạch đang nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng cho phương tiện này trên cả nước. Các con đường dành cho xe đạp rộng rãi và những cây cầu đặc thù giúp việc điều khiển xe trở nên an toàn và sự xuất hiện của những "siêu xa lộ dành cho xe đạp" đang được mở rộng ở các khu vực đô thị lớn hơn để gia tăng khả năng tiếp cận.
Một siêu xa lộ dành cho xe đạp là một tuyến đường trong đó nhu cầu của người đi làm được ưu tiên cao nhất - mang lại một chuyến đi suôn sẻ với ít điểm dừng hơn và tăng độ an toàn. Mục đích chính của các con đường này là tạo điều kiện tốt hơn cho người đi xe đạp và kết nối các khu vực làm việc, học tập và dân cư, giúp mọi người đi làm dễ dàng hơn rất nhiều thay vì đi ôtô. Hơn nữa, các siêu xa lộ dành cho xe đạp chạy gần các ga tàu điện khiến việc kết hợp chúng với hệ thống giao thông công cộng trở nên lý tưởng.
Hạ tầng xe đạp còn mang lại lợi ích kinh tế bất ngờ. Khi đạp xe, ngoài nhu cầu mua xe đạp, người sử dụng xe còn phải sửa chữa, mua sắm những thứ khác liên quan như thức ăn, nước uống phục vụ việc đi đường, quần áo, dụng cụ hỗ trợ đạp xe, thậm chí phòng nghỉ nếu đi xa... Số liệu của Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch cho thấy mỗi khi ai đó đạp xe 1 km ở Copenhagen, thành phố thu được lợi nhuận kinh tế 4,80 krone, tương đương khoảng 0,75 USD. Và với 1,4 triệu km được đạp xe mỗi ngày, đó là khoản lời 1,05 triệu USD.
Để được phân loại là đường "siêu xa lộ dành cho xe đạp", các tuyến đường phải tuân thủ một loạt các giải pháp chất lượng như máy bơm không khí, chỗ nghỉ chân, nút giao an toàn hơn, đường gợn sóng xanh và đèn giao thông được tính toán với tốc độ đạp xe trung bình. Chúng được đánh dấu bằng các biển báo đường bộ cũng như các điểm biển báo màu cam trên đường nhựa, giúp việc tìm đường dễ dàng hơn cho người đi làm cả ngày lẫn đêm - họ chỉ cần đi theo dấu C màu cam.
Chính quyền Đan Mạch gần đây kêu gọi để tái khởi động sáng kiến "Ngày chủ nhật không ôtô" trên khắp cả nước. Các thành phố lớn như Copenhagen hay Aarhus sẽ trở thành những nơi đầu tiên áp dụng.
"Chúng tôi muốn mang đến cho các thành phố những trải nghiệm về cuộc sống ngày Chủ nhật hoàn toàn khác và tận dụng không gian đô thị theo những cách mới. Chúng ta có thể thấy rằng đã có những sáng kiến ở Copenhagen với những con phố nhỏ và những nhiều thứ khác. Chúng ta mang đến cơ hội tạo ra một chiếc xe hybrid, nơi chúng hoạt động thường ngày, còn vào chủ nhật, bạn sử dụng đường phố theo một cách khác, "Engelbrecht – Bộ trưởng Giao thông vận tải Đan Mạch cho biết.
Để sáng kiến này trở thành hiện thực, trước hết Bộ GTVT phải thảo luận kế hoạch này với các bên liên quan trong Nghị viện. Nếu sáng kiến nhận được sự ủng hộ cần thiết, nó có thể được thực hiện vào mùa thu năm nay.
Thái Hoàng (theo Denmark.dk)