Mai Thanh Sơn, sinh viên năm thứ nhất Đại học Huế về ăn Tết cùng gia đình tại làng Thanh Khê. Tối mùng 6 tết (6/2/2003), sau buổi chia tay các bạn, Sơn lững thững đi bộ qua quốc lộ 1 để về nhà. Anh vừa sang được mé đường bên kia, thì bị một ôtô tốc hành chạy hướng Bắc - Nam tốc độ cao không kịp tránh, lao vào. Mọi người cách đó vài trăm mét chỉ nghe tiếng ôtô phanh và tiếng va chạm. Khi họ chạy lại thì Sơn đã chết, chân bị cán gãy, máu mũi, máu miệng vẫn tiếp tục trào ra… còn chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy mất dạng.
Bà con người bồng xác Sơn về nhà, gói chiếc áo sơ mi cỏ úa mặc phía trong để báo công an. Còn 2 người bạn của Sơn là Nguyễn Quốc Hưng và Hoàng Thế Dũng lấy xe máy đuổi theo ôtô. Cùng lúc, chú ruột của nạn nhân, anh Mai Xuân Long, cũng phóng ôtô theo... Đến đèo Lý Hoà, cách địa điểm gây án 4 km, anh Hưng đuổi kịp và đọc được biển số xe gây tai nạn là 49H-3437. Thấy có người bám theo, ôtô tăng tốc nên 2 thanh niên đi xe máy đành bỏ cuộc. Họ dừng lại gọi điện báo Cảnh sát 113 Quảng Bình bắt giữ thủ phạm. Còn xe của anh Long vẫn kiên quyết bám theo, và tời đỉnh đèo Lý Hoà thì chặn được chiếc ôtô khách. Anh Nguyễn Văn Thông nhảy từ xe con sang xe khách, thuyết phục tài xế quay lại nơi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, một phụ xe đã đẩy Thông xuống đường và nói: "Chúng tôi không cán chết ai cả"... Chiếc xe tốc hành ung dung vượt đèo Lý Hòa.
Tuy nhiên đến đêm đó, Cảnh sát 113 Quảng Bình nhận tin báo đã giữ được chiếc xe 49H-3473 và giao cho Công an huyện Bố Trạch. Nó bị giữ đến 3h sáng hôm sau thì được thả với lý do công an đã khám kỹ, không phát hiện dấu vết lạ, và có thể người dân đã ghi lầm số xe. Hành khách trên đó cũng im lặng, không ai nói gì.
Làm đám tang cho sinh viên Mai Thanh Sơn xong, lão làng và thanh niên Thanh Khê mấy đêm liền họp bàn cách phá án. Họ tin rằng chiếc xe mang biển số Lâm Đồng đó sau khi vào Nam ắt sẽ quay ra. Mọi người thống nhất mai phục ở Trạm thu phí cầu Sông Gianh. Trưa 9/2, mấy thanh niên phát hiện chiếc xe ca có nước sơn mới, nhưng biển số mờ đang lao qua địa phận làng. Họ lao theo và tới Trạm thu phí thì đuổi kịp. Biển số đã bị cạo, làm mờ nhưng mọi người vẫn đọc được số 49H-3473. Anh Long và Thông, những người đã nhảy lên chiếc xe gây nạn đêm đó, nhận ra gã phụ xe đã đẩy họ xuống đường. Cả chủ xe, lái xe và phụ xe mặt cắt không còn hột máu buộc phải đưa ôtô về làng. Một lần nữa, dân làng giao xe cùng tài xế cho Công an huyện Bố Trạch.
Công an huyện hứa với bà con Thanh Khê rằng sẽ làm rõ vụ việc và khuyên mọi người về nhà. Tới sáng hôm sau, cán bộ điều tra nói với gia đình nạn nhân rằng cần phải đối chứng tang vật. Công an lấy ra chiếc áo sơ mi dính máu của Sơn và nói vết dầu mỡ trên đó không phải là của ôtô đang bị giữ. Điều này làm mọi người bất ngờ, bởi ai cũng nhớ rằng chiếc áo tang vật mà họ giao cho công an hôm trước là áo mà Sơn mặc bên trong áo khoác, chỉ có duy nhất vết máu. Hơn nữa, Sơn bị bánh ôtô cán khi đi bộ bên lề đường thì làm sao có thể dính dầu xe. Những thắc mắc này công an nói sẽ xem xét và bảo bà con đi về.
Tuy nhiên mọi người không tin và bàn nhau theo dõi. Và đúng như những gì họ nghi ngờ, một lần nữa Công an huyện Bố Trạch lại tha cho xe 49H-3473 mà không thông báo cho gia đình nạn nhân. Chiếc ôtô khách vọt ra khỏi sân Công an huyện, phóng như bay ra QL1A, xuôi hướng ra Bắc. Bố của Sơn, ông Mai Xuân Thức, tức tốc cùng trai làng chạy về nơi cất giấu chiếc xe con của gia đình phóng đuổi theo nhưng không kịp. Họ dừng lại hội ý: ở vùng này chỉ có 2 đường xuống cầu Sông Gianh là theo QL1A dài 16 km hoặc theo con đường rất nhỏ mà người dân trong vùng mới biết là vòng một đoạn ngắn ra QL1A lên đường rừng qua động Phong Nha, rẽ xuống Ba Trại dài 20 km. Mọi người lập tức bố trí nhau bủa vây các hướng. Đúng như họ dự đoán, chiếc xe được thả không đi đường QL1A thẳng tắp phong quang mà bật đèn gầm, bí mật bò trong đường rừng khúc khủy. Chiếc ôtô của anh Mai Thăng Long đã chặn trước, bắt quả tang chiếc xe bỏ trốn khi đang đổ dốc Ba Trại. Trên xe lúc đó có một công an huyện tên Thái, dường như được điều đi chỉ đường trốn chạy cho chiếc xe.
Trừ công an Thái kịp bỏ trốn vào rừng trong tiếng hô hoán của mọi người, còn lại cả chủ xe, lái xe và phụ xe chiếc ôtô 49H-3473 bị dẫn giải về làng Thanh Khê. 21h10’ đêm hôm đó, vừa tròn 5 ngày sau khi vụ cán người xảy ra, tại nhà nạn nhân, chủ xe, lái xe phải cúi đầu viết “bản thú tội” với bà con dân làng. Họ hứa đền bù gia đình 30 triệu đồng, và đưa trước 9 triệu đồng. Vẫn sợ bị lừa, chính quyền xã, và làng Thanh Khê còn cẩn thận lập “biên bản xác minh thời thú tội của người gây ra tai nạn giao thông” với đầy đủ chữ ký của chủ xe, lái xe, gia đình nạn nhân và công an, chính quyền xã. Lúc đó họ mới yên tâm giảo kẻ phạm tội cho Công an huyện Bố Trạch. Hiện vụ án đã được chuyển lên Công an tỉnh Quảng Bình. Cả chủ xe và tài xế đang bị tạm giam chờ ngày xét xử.
Vụ án đã được làm sáng tỏ nhưng nhiều dân làng Thanh Khê vẫn băn khoăn là tại sao chính họ đã chứng kiến, đuổi bắt, và 2 lần giao nộp kẻ gây án cho Công an huyện Bố Trạch với đầy đủ chứng cứ, mà chiếc xe gây tai nạn vẫn được thả, không hề thông báo công khai trước cho gia đình nạn nhân? Tại sao chiếc áo sơ mi của sinh viên Mai Thanh Sơn khi giao Công an Bố Trạch chỉ có vết máu, mà đến khi bỏ ra đối chứng lại dính đầy vết dầu mỡ đen? Và tại sao trên chiếc xe mà dân làng nghi gây án đang bỏ trốn lại có mặt công an viên tên Thái?
Công an tỉnh Quảng Bình cho biết sẽ làm rõ vấn đề này.
(Theo Tiền Phong)