Thứ tư, 25/12/2024
Thứ tư, 18/1/2017, 16:41 (GMT+7)

Dân làng cá chép tất bật phục vụ Tết ông Công ông Táo

Cá chép - "phương tiện" để ông Công ông Táo về trời - đang được người dân làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) thu hoạch, bán cho thương lái khắp tỉnh thành phía Bắc.

Từ ngày 17/12 âm lịch, cả làng Thủy Trầm nhộn nhịp bơm nước, kéo lưới, tát ao vớt cá chép, phục vụ người dân miền Bắc cúng ông Công, ông Táo (ngày 23/12 âm lịch).

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960. Hiện cả làng có 435 hộ nuôi cá, diện tích 26 ha. Cá giống được thả từ tháng 7 âm lịch.

Đặc tính của cá chép đỏ là nuôi trong môi trường nước sạch. Nước bẩn cá sẽ mắc bệnh, chết nhiều. Cá lâu lớn nhưng chịu rét đậm rất tốt. So với năm trước, cá chép đỏ năm nay được giá hơn, một tạ cá bán được 7-9 triệu đồng (năm trước 6 triệu/tạ).

Gia đình có 2,5 mẫu mặt nước chuyên ươm nuôi cá giống và cá chép đỏ, ông Nguyễn Huy Luận đã bán buôn hơn 6 tạ, hôm nay còn 5 tạ lái buôn từ Tuyên Quang hẹn lấy hết. "Cá năm nay sản lượng ít, không đủ cung ứng cho các mối ở tỉnh xa", ông Luận cho biết.

Cá khi bắt khỏi ao đưa về bể sẽ được phân thành 2 loại: loại 40 con/kg và loại 30 con/kg, giá bán 70.000-100.000/kg.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng hàng năm cứ đến ngày 23/12 âm lịch, ông Công ông Táo lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm giao thừa Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. 

Vị Táo quân quanh năm ở trong bếp, biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của gia đình. Để Táo quân “phù trợ” cho gia đình nhiều may mắn trong năm mới, người dân thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất cẩn trọng. Và một trong những đồ cúng không thể thiếu là cá chép, có thể cá sống hoặc cá giấy.

Anh Nguyễn Hữu Thắng cho hay, từ tháng 4 âm lịch bắt đầu cho cá bố mẹ sinh sản để thả vào 2 sào mặt nước. Gia đình thả 10.000 con, nhưng tỷ lệ đạt chất lượng không cao lắm, chỉ hơn 1,5 tạ cá thành phẩm, thu 12 triệu đồng.

Với một tấn cá thu hoạch, trừ tất cả chi phí, người dân lãi khoảng 70 triệu đồng.

"Cá bắt từ ao đưa lên phải thả vào bể để cho đói. Nếu đưa đi luôn sẽ bị nổ bụng bởi cá thường đang no. Từ ngày 18/12 âm lịch đến giờ, đây là lần thứ 4 tôi về làng mua cá. Cá sẽ được đóng vào túi bóng, bơm khí và chuyển đi Hà Giang tiêu thụ. Giá bán lẻ là 5.000 đồng/con", anh Đinh Đại Phát cho biết.

Lái buôn từ khắp các tỉnh thành: Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang... nườm nượp đổ về mua cá. 

Làng cá chép đỏ mua, bán nhộn nhịp