Trưa 27/4, cây cầu rộng chừng 3 m dẫn vào dự án khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Đại học Bách Khoa TP HCM, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, nhiều xe phải chật vật di chuyển. Cây cầu này tải trọng 1,5 tấn, nhưng là lối dẫn duy nhất từ đường Đỗ Xuân Hợp vào dự án khu dân cư trên, rộng hơn 25 ha.
Bên trong, nhà ở mọc rải rác, xây dựng không đồng bộ. Một số nhà cao tầng mới đổ móng, xây thô rồi bỏ dở nhiều năm, hoang phế. Cả dự án có hơn chục tuyến đường bàn cờ song chỉ một nửa được lắp đèn chiếu sáng. Dọc đường cỏ mọc um tùm, có nơi ngang ngực người lớn. Mặt đường lởm chởm ổ gà, nứt nẻ do nhiều năm không được sửa chữa.
Sống ở khu vực này gần 10 năm, bà Thanh Hương, 56 tuổi, cho biết người dân nơi đây phải lập tổ tự quản để cùng nhau phát quang cây cỏ vì lo hoả hoạn bùng lên mùa khô. "Còn mùa mưa, mặt đường lầy lội không khác gì đường nông thôn. Người dân phải góp tiền đổ bêtông, chắp vá tạm từng đoạn để đảm bảo an toàn", bà nói.
Dự án nhà ở cán bộ, công nhân viên Đại học Bách Khoa TP HCM chia làm hai khu, được duyệt từ năm 2000, do hai chủ đầu thực hiện. Sau 23 năm, dự án đã được xây dựng cơ bản thì chủ đầu tư "giải thể", trong khi hạ tầng chưa bàn giao nên không được duy tu. Bà Thượng Thị Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu, cho biết vướng mắc trên nên đường sá bên trong dù hư hỏng nhưng địa phương không thể sửa chữa vì không có thẩm quyền. Những đoạn xuống cấp nghiêm trọng, người dân phải tự bỏ tiền sửa tạm.
Cũng tại TP Thủ Đức đoạn qua phường An Phú, hai tuyến Nguyễn Hoàng và Vũ Tông Phan giao nhau nhưng kết nối chưa thông bởi các dự án khu đô thị An Phú và An Phú - An Khánh chưa hoàn thiện để bàn giao. Trong đó, đường Vũ Tông Phan nối từ đại lộ Mai Chí Thọ hướng về cầu Ba Son, nhiều đoạn đang bị ngăn cách bởi tường rào. Cắt ngang trục này, tuyến Nguyễn Hoàng nối đường Lương Định Của qua xa lộ Hà Nội, nhiều vị trí xuống cấp nhưng ít được sửa chữa, lởm chởm ổ gà, thường xuyên ùn tắc, dễ xảy ra tai nạn.
Tương tự, các khu dân cư trên nằm trong số 291 dự án đô thị mới ở TP HCM, đã triển khai từ hàng chục năm trước nhưng chưa giao hạ tầng cho cơ quan quản lý. Trong đó, nhiều nhất ở TP Thủ Đức với 162 dự án, tổng diện tích hơn 1.366 ha. Do chưa bàn giao, hạ tầng bên trong ít được duy tu, ngày một xuống cấp và không đồng bộ đấu nối vào hệ thống chung của thành phố. Điều này ảnh hưởng đi lại, sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân.
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Võ Khánh Hưng, tại nhiều dự án khu dân cư, đô thị mới trên địa bàn thành phố có tình trạng chủ đầu tư đã không còn pháp nhân, nhưng hạ tầng ở dự án chưa bàn giao. Việc này hiện khó giải quyết, bởi chỉ sau khi hạ tầng chuyển cho cơ quan quản lý mới có cơ sở để bảo trì, sửa chữa thường xuyên.
Đây cũng đang là thực trạng gây "đau đầu" ở huyện Hóc Môn, bởi câu chuyện bàn giao hạ tầng hai tuyến đường Tiền Lân 1 và 7 giữa chủ đầu tư với chính quyền đã đưa ra nhiều năm, nhưng đến nay vẫn bế tắc. Hai tuyến này dẫn vào khu dân cư Hoàng Hải, xã Bà Điểm, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa. Người dân liên tục phản ánh, trong khi địa phương lại khó giải quyết vì chưa được bàn giao quản lý.
Theo UBND huyện Hóc Môn, dự án trên đã triển khai cách đây 21 năm, nhưng quá trình thực hiện chủ đầu tư có một số sai phạm dẫn đến không đủ cơ sở nghiệm thu và bàn giao, đồng nghĩa việc duy tu, bảo dưỡng gặp khó. Chính quyền đã nhiều lần mời chủ đầu tư làm việc, nhưng do pháp nhân không còn, không có đại diện pháp luật, các thủ tục bị tắc. Do vậy, huyện Hóc Môn đã kiến nghị được tiếp nhận các hạng mục hạ tầng ở dự án trên theo nguyên trạng để tiến hành duy tu, bảo trì.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải cho biết đã nhiều lần đề nghị TP Thủ Đức và các quận huyện trên địa bàn rà soát hạ tầng các khu đô thị chưa được bàn giao, để phân loại và tính phương án tháo gỡ vướng mắc. Một trong giải pháp được đưa ra sẽ đề xuất thành phố cho các cơ quan nhà nước tiếp nhận theo hiện trạng đối với các dự án chủ đầu tư chưa xong thủ tục bàn giao, hoặc không liên hệ được, doanh nghiệp đã giải thể. Việc này nhằm triển khai công tác duy tu thường xuyên cũng như tổ chức giao thông phù hợp.
Bình luận thực trạng trên, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM), cho rằng việc chậm giao hạ tầng ở các khu dân cư, đô thị mới không chỉ ảnh hưởng người dân còn khiến các nơi này như những "ốc đảo", bởi thiếu kết nối đồng bộ bên ngoài. Theo ông, để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền, sau đó là chủ đầu tư. Bởi từ khi dự án hình thành và quá trình triển khai đều có những ràng buộc cụ thể giữa hai bên và có sự giám sát, kiểm tra, nếu doanh nghiệp sai phạm có thể xử lý.
Ngoài những nơi chủ đầu tư đã giải thể, theo ông Nguyên còn nhiều dự án khu dân cư ở thành phố chậm trễ, nên cơ quan quản lý cần căn cứ vào các quyết định như đầu tư, giao đất... quy trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nhiều dự án gặp vướng mắc khách quan nên cần rà soát cụ thể để có hướng giải quyết phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
"Cơ quan quản lý nào liên quan trực tiếp dự án cần có trách nhiệm làm việc với chủ đầu tư giải quyết, để không gây thiệt hại quyền lợi người dân", ông Nguyên nói và cho rằng tình trạng trên nếu vẫn kéo dài tạo ra tiền lệ như nhà đầu tư sau khi nhận dự án rồi triển khai ì ạch, dai dẳng hàng chục năm ảnh hưởng người dân cũng như lãng phí hạ tầng, nhu cầu phát triển ở thành phố.
Đình Văn - Hạ Giang