![]() |
Dịch giả Trần Đình Hiến. |
- Ông có thể giới thiệu đôi chút về truyện này?
- Đàn hương hình là bộ tiểu thuyết lịch sử được Mạc Ngôn viết trong suốt 5 năm, từ 1996 đến 2001. Tác phẩm được phát triển trên một vở hý kịch cùng tên gồm 9 cảnh vốn có từ thời cuối Thanh và đầu Trung Hoa Dân quốc. Tác phẩm có một kết cấu khá lạ với 3 phần: Đầu phụng, bụng heo và đuôi beo. Một kết cấu và phương thức mà nói như chính tác giả trong phần viết thêm là: "Mỗi chương của phần đầu phụng và đuôi beo đều dùng phương thức nhân vật tự thuật. Phần bụng heo, bề ngoài tưởng như từ một góc độ nào đó nhìn vào mà viết, thực ra là ghi lại phương thức truyền miệng trong dân gian và phương thức ca vịnh để thuật lại một thời kỳ lịch sử có tính truyền kỳ.
- "Đàn hương hình" có nghĩa là gì, thưa ông?
- Đàn hương là một loại gỗ rất cứng, được dùng để làm kiếm. Giết người bằng kiếm đàn hương có thể nói là một trong những hình thức man rợ và tàn khốc nhất từng được biết đến trong lịch sử Trung Quốc. Người ta đã luồn kiếm ngược từ hậu môn ra đến đằng miệng phạm nhân. Đây chính là hình phạt đã được áp dụng cho nhân vật chính của tác phẩm là Tôn Bính - một ông bầu của gánh hát Miêu Xoang nổi tiếng trong vùng, đồng thời là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa nông dân vùng Cao Mật chống lại sự đàn áp của phát xít Đức vào năm 1900, khi chúng làm đường sắt xuyên qua vùng này. Ngoài hình phạt dã man nói trên, còn 3 cái án tàn khốc khác, do phát xít Đức và tên tay sai phản động của triều đình Mãn Thanh là Viên Thế Khải thực hiện.
- Máu và nước mắt dường như luôn là nguồn "nguyên liệu" thấm đẫm những trang văn của Mạc Ngôn khi ông viết về vùng quê Cao Mật trong quá khứ. Vậy bên cạnh cái tàn khốc, "Đàn hương hình" cho chúng ta vẻ đẹp nào?
- Một vẻ đẹp đớn đau và thống thiết ở ngay trong chính cái tàn khốc đó. Nhìn thân phận con người từ góc độ hình phạt học là điều từng có ở nhiều tác giả trên thế giới, cũng như trong Chém treo ngành của nhà văn Nguyễn Tuân. Nhưng nếu như ở Chém treo ngành, cụ Nguyễn mới chỉ đề cập đến khía cạnh tâm lý sợ bị oan hồn oán thù ở người đao phủ thì tới Đàn hương hình của Mạc Ngôn, cách đặt vấn đề của ông lại khác hẳn. Ngòi bút này thậm chí đã tìm cách tôn vinh hình tượng người anh hùng ở mức độc đáo nhất thông qua khái niệm: Nghệ thuật hành quyết. Trước những người anh hùng, cái chết của họ phải được những kẻ có đủ tay nghề chuyên môn đứng ra hành quyết thì mới xứng với cuộc đời đã sống của họ. Sâu xa của quan niệm đó, theo như tôi hiểu, chính là sự nhấn mạnh bức thông điệp: Con người, trên thực tế chưa bao giờ là đối kháng của nhau, nhưng do hoàn cảnh xã hội và lịch sử khách quan đưa đẩy, có thể bị tách ra thành hai phía đối đầu. Đó là một bi kịch!
- Theo ông, thông điệp nào ở "Đàn hương hình" mang tính thời đại?
- Đàn hương hình theo như tôi hiểu là một cung cách sáng tác tiểu thuyết lịch sử mới, nó chỉ miêu tả những số phận khác nhau trong các sự kiện lịch sử. Do đó, không gian lịch sử được mở rộng hơn, và khi miêu tả đời sống thường ngày, cũng chính là bày tỏ trí tuệ của dân gian, làm bật nổi tính phong phú đa dạng của lịch sử. Đồng thời, nó nhắc ta nhớ lại Miêu Xoang, một loại hình nghệ thuật dân gian mà ngày nay đang bị mất đi của Trung Quốc, thông qua số phận một gánh hát bị vùi dập phũ phàng.
(Theo Lao Động)