Dưới ánh đèn xanh giả làm nước biển, hàng trăm con cá đang được nuôi trong những bể nước trên tầng 15 của một tòa nhà chọc trời. Ở đây có tổng cộng 11 bể nhựa với 80.000 lít nước biển. Tất cả đều nuôi cá mú, sau đó bán cho các nhà hàng trên khắp Hong Kong (Trung Quốc).
Đây là mô hình kinh doanh của Oceanethix - một trong những “trang trại cá trên trời” tại Hong Kong. Phần lớn trang trại cá trên thế giới không nằm ở biển thì cũng gần mặt đất. Nhưng ở Hong Kong, người ta phải nuôi cá trên những tòa nhà cao tầng.
Đây là một trong những nơi có mật độ dân số đông nhất thế giới. Vì thế, đất trống còn rất ít cho hoạt động nông nghiệp. Theo giới chức Hong Kong, họ chỉ tự sản xuất được gần 2% rau quả tiêu thụ mỗi năm.
Nỗ lực của các công ty trong lĩnh vực này cũng được đền đáp rất xứng đáng. Hong Kong là nơi tiêu thụ thủy hải sản rất mạnh. Trung bình, mỗi người dân nước này ăn khoảng 70kg thủy hải sản mỗi năm, gấp hơn 10 lần Mỹ.
Lloyd Moskalik - giám đốc điều hành Oceanethix hiện có thuê 6 nhân viên tại Hong Kong. Ông mua cá mú con, sau đó nuôi khoảng 10-13 tháng để đạt trọng lượng tiêu chuẩn. Mỗi tuần, Oceanethix bán được khoảng 2 tấn cá mú cho các hãng mua buôn với giá khoảng 100 USD mỗi kg.
Khi nhu cầu cá nuôi tại Hong Kong tăng lên, giá bán buôn còn nhích lên 10% - 15% hàng năm trong 5 năm gần đây. Oceanethix còn có thêm nguồn thu từ bán hệ thống xử lý nước thải cho các công ty khác tại châu Á cũng áp dụng mô hình nuôi cá trên nhà cao tầng.
Không chỉ nuôi cá, người dân Hong Kong còn tận dụng các khoảng trống trên tầng thượng để trồng rau và cây ăn quả. Một phần nguyên nhân là các scandal an toàn thực phẩm tại Trung Quốc, khiến người dân muốn tự trồng để ăn đồ tự nhiên nhất có thể.
Osbert Lam – chủ nhân trang trại Hong Kong City Farms đã nhanh chóng chớp được cơ hội này. Ông hiện có 3 trang trại với hàng trăm m2 trên các tầng thượng. Những nơi này được thuê với giá trung bình 190 đôla Hong Kong (25 USD) một tháng. Ông còn cho thuê các hộp trồng cây với giá 20 USD một chiếc.
“Chúng tôi có danh sách 30 người chờ lấy hộp. Nếu đến vào thứ 7, anh sẽ thấy ở đây cũng đông người chẳng kém công viên”, ông cho biết.
Kể cả những người nuôi ong cũng kiếm được kha khá từ những khu vườn chọc trời thế này. Michael Leung – nhà sáng lập HK Honey luôn phải tìm địa điểm mới để đặt các tổ ong. Và anh đã chọn các cây đu đủ.
“Những cây này sinh trưởng rất tốt ở Hong Kong. Phần lớn mọi người khi trồng cây trên sân thượng đều chọn đu đủ. Chiều cao của nó cũng cho phép bạn từ mặt đất nhìn thấy được rằng nhà nào đang trồng cây trên sân thượng”, Leung cho biết.
Sau đó, Leung sẽ sắp xếp thuê những nơi này làm chỗ đặt tổ ong. Theo Leung, nhờ sự đa dạng sinh học tại Hong Kong, mật ong của anh có vị rất đặc biệt, có thể bán với giá 240 HKD (30 USD) một hộp.
Đất nông nghiệp tại Hong Kong đang ngày một giảm đi do áp lực từ các hãng bất động sản. BBC cho rằng đến một ngày, Hong Kong sẽ chỉ còn toàn trang trại trên nóc nhà cao tầng.
Hà Thu