Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm 8/2 tuyên bố các lệnh hạn chế chống Covid-19 vẫn là chiến lược chống dịch tốt nhất do tỷ lệ tiêm vaccine cho người cao tuổi ở thành phố còn thấp. Ngày 8/2, thành phố ghi nhận 625 ca mới, mức tăng kỷ lục của đặc khu nhưng là con số nhỏ khi so với nhiều nơi khác trên thế giới.
Bà Lam ban lệnh hạn chế cấm tụ tập trên hai người nơi công cộng và cấm các cuộc gặp gỡ tại nhà từ hai gia đình trở lên. Lãnh đạo Hong Kong cũng yêu cầu đóng cửa các địa điểm tôn giáo, tiệm làm tóc, rạp phim cùng nhiều cơ sở không thiết yếu khác.
Do lo ngại về những hạn chế chống dịch nghiêm ngặt có hiệu lực từ ngày 10/2, người dân Hong Kong hôm nay đổ xô tới các khu chợ, siêu thị để mua đồ tích trữ. Nhiều người giải thích họ muốn tự lo cho mình vì e ngại "chính quyền thiếu chuẩn bị".
Trước làn sóng tích trữ của người dân, nguồn cung cấp rau ở Hong Kong giảm khoảng 1/3, đẩy giá nông sản tại các chợ tăng vọt, trong khi các kệ hàng ở siêu thị trống trơn. Rau cải ngồng, loại rau phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc, hiện tăng giá gấp đôi lên hơn 6 USD một kg.
Ngoài tích trữ đồ ăn, nhiều người Hong Kong còn đổ xô đi cắt tóc. Nhiều tiệm làm tóc ở quận Central thông báo đã kín khách.
"Họ nói chỉ tạm đóng cửa tiệm, nhưng ai biết khi nào mới mở lại. Cảm giác như chúng ta đang quay lại thời kỳ đầu bùng phát dịch. Thật khó chịu", người đàn ông họ Cheung đang chờ cắt tóc chia sẻ.
Nhiều cư dân thành phố cũng lên mạng xã hội bày tỏ sự thất vọng với các lệnh hạn chế chống dịch.
Khác với hầu hết phần còn lại của thế giới đã bắt đầu cuộc sống bình thường mới, chung sống với Covid-19, chính quyền Hong Kong vẫn thực hiện chính sách "Không Covid".
Hong Kong ghi nhận hơn 16.600 ca nhiễm và 213 ca tử vong do Covid-19. Thành phố đã tiêm vaccine cho hơn 71% cư dân, theo dữ liệu từ Our world in Data.
Ngọc Ánh (Theo AFP)