![]() |
Mẹ anh Nguyễn Trung Đức bên di ảnh con trai. |
Tuy nhiên, chủ trại hòm chờ không thấy người đến nhận quan tài nên đã mang về lại. Ông cho biết, một người đàn bà khoảng 35 tuổi đã đến đặt cỗ quan tài trên và yêu cầu mang đến gần cửa tiệm vàng Ngọc Lệ. Người này không nói ra địa chỉ cụ thể nhưng tiệm vàng lại ở trước nhà ông Đỗ Ngọc Biên. Khi chủ trại hòm mang về thì người đàn bà nọ cũng đã bỏ đi. Đặc biệt, quan tài có gắn cây thánh giá. Trong khi ở khu vực này duy nhất mẹ của ông Biên theo đạo Công giáo.
Trong một diễn biến khác, cơ quan điều tra đang đặt nhiều nghi vấn xung quanh việc ông Hoàng Đình Loan (Phó công an huyện Hàm Tân) "bảo kê" cho Hai Chi trong thời gian dài.
Khoảng năm 2001, Hai Chi cùng đàn em mang dao, kiếm, côn lùng sục tìm Huỳnh Tấn Phú - đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực buôn gỗ lậu đối với Hai Chi. Phú cùng chiến hữu chạy vào lò bánh mì của anh rể ông Lâm Quang Chiến.
Hai Chi gọi điện, ít phút sau, một xe tải loại 2,5 tấn chở khoảng 20 sát thủ lăm lăm hung khí trong tay và tấn công lò bánh mì. Phú và chiến hữu là Lê Công Tiền phải dùng mọi thứ, kể cả "bom xăng" để tử thủ nên Hai Chi không làm được gì. Sau đó, người ta thấy ông Hoàng Đình Loan xuất hiện. Nhưng lúc này, Công an huyện Hàm Tân không xử lý anh em Hai Chi mà "mời" anh em Huỳnh Tấn Phú về cơ quan công an để giải quyết. Vụ việc sau đó chỉ có mỗi anh em Huỳnh Tấn Phú bị xử lý, còn Hai Chi thì vẫn "bình yên" dù hắn và đệ tử chủ động tấn công anh em Phú.
![]() |
Ông Đỗ Ngọc Biên, Trưởng công an xã Tân Nghĩa. |
Một sự việc khác liên quan trách nhiệm của ông Hoàng Đình Loan là vụ án "cái chết ngạt" của anh Nguyễn Trung Đức. Người này bị nhân vật tên Nguyễn Hữu Toàn đuổi đánh và sáng hôm sau người ta phát hiện xác của Đức nằm gọn trong mương cáp quang, dù bề rộng của mương nước chỉ khoảng nửa mét. Vụ án được khép lại bằng kết luận: "Anh Đức chết do ngạt nước", dù sau đó Hai Chi chở Toàn lên Công an huyện Hàm Tân gặp ông Loan để tự thú và thừa nhận chính Toàn là kẻ đuổi đánh anh Đức. Theo một nguồn tin, Toàn đã nhờ Hai Chi chạy án bằng việc lái xe không lấy tiền công cho Hai Chi 2 năm.
Nhiều nhân chứng đã ra khai báo với Ban chuyên án về những uẩn khúc xung quanh "vụ án ngạt nước" trên. Một nhân chứng tên Tâm kể: "Tôi thấy Toàn cầm sợi dây xích, còn một số người cầm gậy định đánh tôi, tôi ôm đầu kêu tôi là xe ôm đừng đánh. Toàn cùng mọi người quay ra đánh Đức". Một nhân chứng quan trọng khác là ông Nam, chuyên làm nghề khâm liệm và vớt xác tại Tân Nghĩa. Ông trực tiếp vớt xác và khâm liệm cho anh Đức. Theo trình báo của ông Nam: "Tôi lội xuống rãnh nước cáp quang, nước đến đầu gối. Xác nạn nhân nằm nghiêng, phần vai nổi lên trên mặt nước, phần còn lại chìm dưới nước. Mặt nạn nhân được phủ một miếng mút xốp, trên bụng nạn nhân có một hòn đá chẻ (loại đá xây nhà) kích thước 40 x 20 x 20 cm đè lên bụng". Người đàn ông khâm liệm xác đã hất cục đá ra khỏi người anh Đức... lấy chiếc chiếu, quấn quanh xác nạn nhân đưa lên mặt đất, để cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi. Theo ông Nam, trên đầu nạn nhân vùng chẩm trái có vết nứt sọ, chiều dài khoảng 20cm. Tại vị trí xương sườn, nơi cục đá đè lên bị gãy 3 chiếc xương sườn.... Song tất cả các tình tiết cực kỳ quan trọng trên lại không được "những người có trách nhiệm" tại Công an huyện Hàm Tân đưa vào hồ sơ vụ án mà cho rằng anh Đức bị ngã vào mương và ngạt nước chết.
(Theo Thanh Niên)