Hàng chục con trong đàn gia súc của Ganzorig Tserenchimed khi đó kiệt sức vì đói và chết cóng trong giá lạnh, những con còn lại chết ngạt trong chuồng, khi chúng tuyệt vọng nép vào nhau tìm hơi ấm.
Để cứu những con sống sót, Ganzorig phải chạy xe suốt nhiều tuần, đi hàng trăm km trên thảo nguyên để tìm cỏ. Những gì diễn ra trong mùa đông đó gần như đã phá tan mong muốn duy trì lối sống du mục của ông.
"Lối sống du mục là di sản của cha ông mà tôi tự hào kế tục", Ganzorig nói trong chiếc lều tròn truyền thống của người Mông Cổ. "Nhưng tình hình ngày càng khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt. Tôi đã gần 50 tuổi và đôi khi có suy nghĩ cố gắng vào thời điểm này liệu ích gì, trong khi có thể bán tất cả và đến thành phố tìm việc".
Khoảng 30% trong số 3,5 triệu dân Mông Cổ làm nghề chăn nuôi theo truyền thống du mục mà họ luôn tự hào. Họ lang thang trên các thảo nguyên, tìm kiếm những đồng cỏ xanh tốt nhất cho đàn gia súc. "Chúng tôi gắn bó với đàn gia súc. Văn hóa du mục nằm trong gene của người Mông Cổ", Byambadorj Sainjargal, một quan chức tỉnh Uvurkhangai, nơi Ganzorig sinh sống, nói.
Nhưng biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố khác đang tàn phá các thảo nguyên nước này. Theo nghiên cứu năm 2021 của các học giả Trung Quốc, 90% vùng thảo nguyên Mông Cổ đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sa mạc hóa. Hàng trăm nghìn người chăn nuôi đã bỏ đàn gia súc để tìm cuộc sống mới ở thành phố.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy lượng mưa hàng năm ở Mông Cổ giảm mạnh, trong khi nhiệt độ tăng 2,2℃ kể từ 1940, cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình toàn cầu.
Sự thay đổi này khiến mùa hè ở Mông Cô khô hơn, còn mùa đông trở nên lạnh giá hơn. Những mùa đông lạnh bất thường được người Mông Cổ gọi là dzud, khi nhiệt độ xuống cực thấp khiến gia súc chết hàng loạt. Dzud thường xảy ra 1-2 lần trong một thập kỷ, nhưng Granzorg cho hay hiện tượng này đã diễn ra gần như hàng năm kể từ 2019.
Mùa hè ít mưa đồng nghĩa với thảo nguyên ít cỏ, khiến người chăn nuôi khó vỗ béo gia súc trước mùa đông. Mưa lại xảy tới rất nhanh và dữ dội. Mông Cổ ghi nhận tình trạng mưa đá, bão bụi và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác xuất hiện thường xuyên hơn.
"Lối sống du mục, bản sắc của Mông Cổ, sẽ lụi tàn nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động ngay lập tức", Bayan-Altai Luvsandorj, lãnh đạo tổ chức Save the Children, cung cấp viện trợ khẩn cho người chăn nuôi, cảnh báo.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thể hiện rõ ràng trên vùng thảo nguyên nơi Ganzorig sinh sống. Trên mặt đất đầy cát, những búi cỏ mọc thưa thớt, ngắn, khô và giòn. Cách đó vài km, Jamb Navgan, hàng xóm Ganzorig, cho hay cuộc sống thời trẻ của bà rất khác biệt.
"Khi tôi còn nhỏ, cỏ mọc cao đến nỗi bố mẹ không thể tìm thấy tôi trên thảo nguyên", Jamb, 68 tuổi, nói. "Chúng tôi từng có nhiều hoa dại và nhiều mưa vào mùa hè, điều hầu như không còn diễn ra suốt 10 năm qua".
Bà Jamb đã phải vay nợ khoảng 13 triệu tugrik (3.700 USD) để mua thức ăn cho gia súc. Gia đình từng hy vọng sẽ trả đủ nợ khi bán cừu thịt và con non vào mùa xuân, nhưng rất ít cừu sinh sản vì đói. Hiện họ phải cân nhắc vay khoản mới để trả khoản cũ.
Chứng kiến tình cảnh khó khăn của bố mẹ, rất ít thanh niên Mông Cổ muốn tiếp tục con đường du mục. Tại một trường cấp hai ở thị trấn Sant lân cận, không học sinh nào muốn trở thành người chăn nuôi. "Khi thời tiết khắc nghiệt, điều đó thật quá khó", Shirnentuya, 15 tuổi, nói.
Ngày càng nhiều người du mục di cư đến thủ đô Ulaanbaatar, hầu hết dựng lều ở các khu vực rìa thành phố, sống trong điều kiện thiếu vệ sinh, dịch vụ thiết yếu.
Họ đốt than để giữ ấm. Khói than biến thành màn khói mù độc hại bao quanh Ulaanbaatar, khiến thành phố trở thành một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.
"Ô nhiễm là phần tồi tệ nhất, đặc biệt vào mùa đông. Tôi đau nhói ở phổi vào ban đêm, khạc ra toàn dịch đen", Bartbaatar, người di cư đến Ulaanbaatar năm 2010, sau khi một trận dzud xóa sổ toàn bộ đàn gia súc của gia đình.
Giống như nhiều người khác, Barbaatar lên kế hoạch bám trụ thành phố trong thời gian ngắn, kiếm đủ tiền và bắt đầu lại từ đầu, song bất thành. Anh hiện phải dựng lều gần trường học của các con, bám víu vào giấc mơ một ngày nào đó được trở về với bầu không khí trong lành nơi thảo nguyên.
"Nhưng nơi tôi từng sống còn lại rất ít người chăn nuôi. Mọi người đều đổ về thành phố", anh nói.
Đức Trung (Theo Guardian)