Theo thống kê của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), mỗi năm thế giới thiệt hại khoảng 10 tỷ USD do hoạt động của các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Loại tội phạm này luôn có xu hướng trốn qua nhiều nước. Do đó, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đã không còn là chuyện nội bộ của mỗi quốc gia.
Bộ Công an cho hay tính đến giữa năm 2019, hơn 1.200 người Việt phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó 235 người bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều nghi can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; hơn 310 nghi phạm bị Interpol truy nã đỏ nghi lẩn trốn vào Việt Nam. Các con số đều có xu hướng gia tăng song lại vướng nhiều quy định để giải quyết.
Luật Dẫn độ từng được Bộ Công an đề xuất Quốc hội xây dựng từ tháng 8/2019, do Luật Tương trợ tư pháp ban hành từ năm 2007, tức 15 năm trước, bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có việc chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vì thế, tháng 5 vừa qua Bộ Công an ra mắt dự thảo Thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, trong đó có tương trợ tư pháp về hình sự, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và dẫn độ. Dự thảo đang được công khai để lấy ý kiến của nhân dân.
>> Chi tiết nội dung dự thảo Thông tư Liên tịch
Theo định nghĩa phổ biến của cơ quan tư pháp Mỹ và châu Âu, dẫn độ là quá trình hai quốc gia ký kết một điều ước quốc tế, ràng buộc về mặt pháp lý để giao nộp cho nước còn lại người bị truy nã tội phạm.
Tại Việt Nam, theo Luật tương trợ Tư pháp, "dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó".
Theo Liberty Mundo, lịch sử của việc dẫn độ bắt nguồn từ thời đế chế La Mã. Một trong những hiệp ước dẫn độ đầu tiên là thoả thuận giữa Anh và Scotland, ký năm 1174. Hiệp ước kêu gọi "sự đầu hàng của những kẻ phản bội và trọng tội" và dẫn độ được hiểu là việc bắt những kẻ bị truy nã vì các tội liên quan chính trị.
Ngày nay, các hành vi phạm tội chính trị thường bị loại trừ khỏi các hiệp ước dẫn độ. Song không phải mọi quốc gia đều có hiệp ước dẫn độ với nhau, vì vậy tội phạm vẫn có những nơi có thể lợi dụng để lẩn trốn.
Một trong những người "thoát thân" kinh điển gần đây phải kể đến Edward Snowden. Năm 2013, cựu cố vấn tình báo người Mỹ này đã cung cấp thông tin tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) cho các tờ báo điều tra hàng đầu. Edward Snowden bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội vi phạm Đạo luật Gián điệp và Trộm cắp tài sản của chính phủ, bị thu hồi hộ chiếu.
Hai ngày sau, anh ta bay đến sân bay quốc tế Sheremetyevo, Moskva, bị hạn chế ở nhà ga này hơn một tháng. Cuối cùng vào tháng 10/2020, anh ta được Nga cấp quyền tị nạn và cấp thẻ công dân vĩnh viễn, thoát khỏi sự "truy đuổi" của các cơ quan an ninh Mỹ.
Điều này xuất phát từ việc, Nga và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ tội phạm. Mặt khác, Snowden không vi phạm luật nào của Nga, do đó, bất chấp Snowden là "kẻ thù quốc gia", Mỹ không thể bắt trên đất Nga.
Trên thực tế, dẫn độ không phải là việc thường xuyên diễn ra. Ví dụ, năm diễn ra "sự kiện Edward Snowden", ở Mỹ, theo Nomad Capitalist, chỉ khoảng 900 người đã được dẫn độ. Hầu hết các tội phạm về từ Canada, Mexico và Colombia, đa số thuộc các tội buôn ma túy, lừa đảo, giết người và hiếp dâm.
Đối với các tội nhẹ, hầu hết các quốc gia sẽ không muốn dẫn độ. Một phần do các thủ tục dài và chậm và liên quan đến luật quốc tế, luật quốc gia phức tạp. Song chủ yếu do các nước muốn xây dựng hình ảnh chính phủ thân thiện, nhằm dễ dàng thu hút người dân và tiềm năng tài chính đến với đất nước của họ.
Các hiệp ước dẫn độ không có tính ràng buộc pháp lý, vì vậy bất kỳ quốc gia nào cũng có thể lựa chọn thực hiện hoặc từ chối bất kỳ yêu cầu dẫn độ nào.
Dù có sự khác biệt về luật giữa các quốc gia, song nhìn chung, hiệp ước dẫn độ đều dựa trên 4 nguyên tắc chính:
- Không dẫn độ tội phạm chính trị
Các nước ít có sự thống nhất về định nghĩa "tội phạm chính trị".
Ở Việt Nam, điều 35, Luật Tương trợ tư pháp nêu sẽ từ chối dẫn độ trong trường hợp "người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị".
- Không dẫn độ công dân nước mình
Quy định này thường được ghi nhận trong hiến pháp hoặc đạo luật về quốc tịch của nhiều quốc gia. Ví dụ, Việt Nam có thể từ chối dẫn độ trong trường hợp, người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam, theo Điều 35, Luật Tương trợ tư pháp.
Song sau này quốc tế thống nhất nguyên tắc trên sẽ không áp dụng với các tên tội phạm quốc tế.
Theo dự thảo của Bộ Công an, trường hợp Việt Nam là nước được yêu cầu thì việc dẫn độ chỉ được thực hiện khi nước yêu cầu cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người bị dẫn độ về hành vi phạm tội khác ngoài hành vi phạm tội đã được nêu trong yêu cầu dẫn độ và không dẫn độ người đó cho nước thứ ba, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Việt Nam.
Nguyên tắc định danh kép
Một người chỉ bị dẫn độ khi hành vi của họ là hành vi tội phạm, theo luật của cả hai nước (nước yêu cầu và nước được yêu cầu dẫn độ). Nghĩa là cả hai quốc gia đều phải khẳng định hành vi của người bị dẫn độ là hành vi tội phạm hình sự và mức hình phạt cần là hình thức tù giam, với thời hạn được xác định.
Quy định pháp luật của một số nước có sự khác biệt trong việc phân chia mức độ nghiêm trọng. Một tội có thể là ít nghiêm trọng ở nước này, song lại được xác định "rất nghiêm trọng ở nước khác". Đây cũng là rào cản khiến việc dẫn độ trở nên phức tạp.
Có đi có lại
Nước được yêu cầu dẫn độ chỉ thực hiện dẫn độ theo yêu cầu nếu nước còn lại có cam kết rằng trong trường hợp tương tự, nước này chắc chắn sẽ thực hiện dẫn độ tội phạm cho quốc gia kia.
Dẫn độ là hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm nhưng chứa nhiều yếu tố chính trị, ngoại giao và liên quan trực tiếp đến quyền con người. Vì thế, đây là nguyên tắc được nhấn mạnh trong chương đầu tiên Dự thảo của Bộ Công an.
Theo đó, khi áp dụng nguyên tắc này, các cơ quan liên quan phải căn cứ sự cần thiết nhu cầu của Việt Nam trong từng trường hợp cụ thể; phải tuân thủ pháp luật và các điều ước quốc tế và chính sách đối ngoại, tác động chính trị, kinh tế, xã hội.
Dự thảo Thông tư nêu: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù hoặc chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với các nội dung liên quan thì cơ quan có thẩm quyền cần có công văn gửi cơ quan trung ương của Việt Nam đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại kèm theo hồ sơ ủy thác tư pháp.
Việt Nam hiện là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương, 11 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ với các nước, trong đó có Anh, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Ấn Độ...
Hải Thư