Câu chuyện trên của chị Thu được nhiều chị em trong "Hội may vá" trên một diễn đàn mạng rỉ tai nhau để khích lệ thêm tinh thần các thành viên mới.
Mấy năm gần đây, phong trào tự may quần áo nổi lên ở nhiều công sở. Các chị em đã rủ nhau học cắt, may trên mạng, qua sách, mua máy khâu về tự máy, chủ yếu vì thích tự tạo những sản phẩm thời trang cho mình và người thân.
Là dược sĩ của một công ty liên doanh ở Hà Nội, dù công việc cơ quan chiếm khá nhiều thời gian nhưng chị Hồng Vân, 28 tuổi vẫn thường tự may đồ cho mình và chồng, con.
"Bố mẹ mình hồi xưa cũng có máy khâu. Từ lớp 8, lớp 9 đã mình toàn lôi chăn cũ hay đồ rách ra cắt lại rồi may thành quần áo, thế mà mặc vào cứ âm ỉ sướng. Trông mình hồi đó chắc buồn cười lắm. Giờ thì ngon rồi, sản phẩm nào làm ra cũng được mọi người khen cả", chị Vân chia sẻ.
Ảnh các sản phẩm tự may của chị em công sở
Cô con gái 7 tháng tuổi của chị có cả bộ sưu tập những sản phẩm do mẹ làm cho: từ mũ, giày, váy, áo đến túi ngủ, đồ chơi bằng vải, chăn, gối... Anh xã chị cũng trở thành "người mẫu" diện các sản phẩm áo thun, quần đùi... của vợ.
Chị Ngọc Quỳnh tự tay may đồ cho mình và gia đình bằng chiếc máy khâu của Nhật. Cô con gái xinh xắn trong trang phục do mẹ may, luôn thích ngồi cạnh khi mẹ làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Cũng có niềm đam mê may vá từ nhỏ, chị Phạm Ngọc Quỳnh, Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (Láng Hạ, Hà Nội) càng ham thiết kế các mẫu váy, áo khi có con gái để làm điệu.
"Làm được một sản phẩm hứng thú lắm. Con gái cũng rất thích mẹ may vá. Mỗi lần mẹ mua vải về là xoắn xuýt hỏi 'mẹ mua cho ai đấy, mẹ mua cho con à?'. Mình hay may đồng phục cho hai mẹ con, thấy thích vô cùng", chị chia sẻ.
Đến giờ, chị Quỳnh đã may được các bộ váy kiểu cách kết hợp với thêu ren và cả các trang phục công sở cho bản thân. Quần áo của chồng, con cũng đều do chị tự tay tạo kiểu, cắt, máy.
Khi có sản phẩm mới, chị Quỳnh hay mang lên cơ quan "khoe" và nhờ các chị em góp ý thêm. Cũng từ đây, niềm đam mê may vá của chị đã truyền tới các đồng nghiệp. Đầu năm nay, một nhóm những người yêu thích may mặc cơ quan chị đã lập thành Câu lạc bộ may mặc F-Sewing. Sau vài tháng hoạt động, câu lạc bộ đã thu hút 12 chị em và sinh hoạt tập thể đều đặn hai tuần một lần tại nhà của chị Quỳnh hoặc một thành viên khác.
"Giờ bọn mình làm ra sản phẩm nhanh lắm, vì các mẹ đều chịu khó đầu tư, trong nhóm hiện nay ngoài việc ai cũng có máy khâu, một số mẹ còn sắm thêm cả máy vắt sổ, máy dập khuy, máy cuốn bèo...", chị Quỳnh kể.
Chị Phương Hoa (áo xanh chấm bi) đang hướng dẫn một nhân viên văn phòng cách vẽ, cắt quần tại chính cơ quan học viên. Ảnh: Minh Thùy. |
Cũng vì thích may, thêu mà từ thời sinh sinh viên, chị Phương Hoa (Xuân Phương, Cầu Diễn, Hà Nội) đã theo một lớp dạy nghề này vì muốn tự may cho mình những bộ đồ yêu thích. Nhưng sau cả khóa học vẫn không hiểu gì, cô sinh viên ngành quản lý thông tin đã tìm tài liệu, tự học và thực hành. Đến giờ, dù hằng ngày đi làm ở một công ty về xuất nhập khẩu ở Trần Hưng Đạo, Hà Nội, chị vẫn tự tay may quần áo cho cả nhà, đồng thời mở thêm một xưởng làm rèm cửa.
Hay tham gia các diễn đàn trên mạng, nhận thấy nhiều mẹ có nhu cầu muốn học may, năm 2008 chị Hoa đã nhận dạy lại cho nhiều chị em. Các lớp học của chị tổ chức vào buổi trưa và hai ngày cuối tuần, tại cơ quan của chính học viên hay ở gia đình chị.
"Có người chưa bao giờ cầm tới cây kim, khi học thổ lộ 'chị dạy em cách luồn chỉ với nhé, em không biết có học được không'. Thực ra, học cắt may cơ bản không khó, hơn nữa, khi đã học các mẹ rất ham và thường thực hành ngay bằng cách may đồ cho chính mình hay cho con nên rất thích", chị Hoa kể.
Chị thường hướng dẫn các chị em cách đo, nhận biết chất liệu vải, cách tính vải để mua, vẽ áo quần, váy theo số đo, sử dụng máy khâu... Đa số các mẹ học để tự may được quần áo cho bản thân, váy liền đi làm, đồ cho con... nên khá đơn giản, chỉ cần vài buổi là làm được.
Vừa ăn trưa xong tại cơ quan, chị Vân Anh, nhân viên một công ty tư nhân trên phố Ngô Quyền (Hà Nội) đã xách túi với lỉnh kính kéo, thước, phấn may và một xấp vải vụn "lên lớp". Trưa nay chị cùng một đồng nghiệp có buổi học may. "Mình mới sinh con gái được mấy tháng nên phải đi học ngay, làm sao luyện tay nghề từ giờ tới lúc con hai tuổi là phải may thành thạo để 'phục vụ' công chúa. Mình chỉ thích may váy thôi", chị Vân Anh hồ hởi kể.
Đồng nghiệp cùng học với chị, chị Minh Trang cũng thổ lộ: "Tớ chưa có con, nhưng sẽ may quần áo cho cả nhà. Biết tớ đi học may, cả chồng lẫn bố mẹ chồng đều ủng hộ. Cả đống vải này đều do mẹ chồng tớ mua cho đấy".
Minh Thùy