"Đây là lần đầu tiên mình làm mấy món này, đều học của mấy đồng nghiệp. Ban đầu cũng loay hoay nhưng đến mẻ cuối thì thành phẩm mỹ mãn. Tự làm mứt vừa ngon, vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn mà còn ý nghĩa nữa", chị Hiền nói.
Là nhân viên một công ty phân phối thiết bị điện tử tại Hà Nội, chị Hiền 32 tuổi, cho biết ở cơ quan chị, phong trào mọi người tự làm đồ ăn Tết rất sôi nổi. Mứt là món được nhiều người thực hiện nhất vì hợp ăn Tết lại dễ thực hiện. Các món phổ biến khác được chị em hào hứng chia sẻ cho nhau cách làm là bắp bò ngâm mắm, giò tai... đều dễ ăn, làm nhanh, lại có thể để dành được hằng tuần.
"Mình và hai gia đình nữa hẹn nhau mấy hôm giáp Tết sẽ nấu chung một nồi bánh chưng. Bình thường mọi năm toàn đi mua hoặc được cho. Năm nay con lớn hơn, đỡ bận nên muốn tự gói, vừa ngon vừa để bọn trẻ có thêm một hoạt động ý nghĩa", chị Hiền thổ lộ.
Tết này, như mọi năm, chị Quách Tuệ Như (nhân viên công ty chuyên tổ chức sự kiện tại Đống Đa, Hà Nội) lại làm giò thủ, giò jambon, các loại thịt ngâm mắm, nem tai, bánh chưng, bánh quy... Chị Như cho hay, chị không tin tưởng vào chất lượng hàng chế biến sẵn nên muốn tự tay làm các món ăn cho gia đình, sẽ phù hợp với khẩu vị cũng như sức khỏe của mình và người thân.
Chị Tuệ Như cho hay, các món mặn đều không để lâu được nên qua Lễ ông Công ông Táo chị mới bắt tay vào làm. Hiện tại chị và mấy bé chỉ làm sẵn bánh quy.
"Đây là các món ăn nhẹ, tiện cho việc bảo quản, cũng như thích hợp với cuộc vui bạn bè. Làm bánh quy vui nhất vì có sự giúp đỡ của con gái. Bé học lớp 2 và rất thích ăn bánh. Được tự tay làm bé còn thích hơn. Bánh quy đơn giản nên bé có thể tự làm hầu hết công đoạn, chỉ cần mẹ hướng dẫn bên cạnh thôi", chị Như chia sẻ.
Với chị, Tết là ngày đoàn tụ, cha mẹ con cái có nhiều thời gian bên nhau nhất. Dịp này, nhiều người than mệt mỏi nhưng chị Như coi đây là một khoảng thời gian tuyệt vời khi có thể tạm thời gác lại mọi việc để toàn tâm ý với người thân. Nhà chị năm nào cũng gói bánh chưng và với cả gia đình, đây luôn là việc có ý nghĩa thiêng liêng. "Khi nhìn con gái được bà nội dạy gói bánh chưng, mình thấy thật bõ công dầm nước lạnh để rửa lá", chị bày tỏ.
Vốn có sở thích nấu nướng làm bánh, Tết này chị Nguyễn Phương Dung (Gia Lâm, Hà Nội) cũng tự tay làm nhiều món ăn cho gia đình. "Hai bé nhà mình đều thích ăn giò nên chắc chắn mình sẽ làm món này. Mua giò ở ngoài nhiều sợ có hàn the, không tốt cho sức khỏe của các con. Giò tai, bò ngâm mắm... thì dành cho chồng đãi bạn", chị Dung kể.
Mấy ngày trước, chị đã nhờ ông xã chở đi mua một chiếc máy chuyên xay thịt để phục vụ cho việc làm giò. Chị cũng muốn tự làm nhiều loại bánh, mứt cho gia đình nhưng bị anh xã cản vì sợ vợ quá vất vả.
"Có người thích đi chơi, người thích du lịch, bà xã mình lại thích vào bếp. Đó là niềm vui của cô ấy. Tết mình cũng muốn gia đình có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hơn nên không muốn vợ luôn tay luôn chân với các món ăn", chồng chị Dung bộc bạch.
Vốn không khéo nấu nướng nhưng Tết này chị Bích (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã làm thành công món bò khô và muối dưa hành cho cả nhà thưởng thức. "Hóa ra mọi thứ không khó như mình tưởng, chỉ cần làm đúng theo những gì hướng dẫn trên mạng, chọn được nguyên liệu ngon, là ra thành phẩm đảm bảo rồi", chị Bích hào hứng khoe.
Chị cho biết, ban đầu chị lên mạng học hỏi cách làm các món này, sau đó mua số lượng ít về thử chế biến. Thấy mọi việc suôn sẻ, chị mới dám mua lượng lớn hơn về làm để ăn Tết. "Được đà này, có lẽ từ nay tới 30 âm, mình sẽ làm thêm vài món nữa để dành như bắp bò ngâm mắm, giò tai mũi... Những ngày Tết vừa được nghỉ ngơi, vừa vẫn có đồ ăn lại đảm bảo chất lượng" chị Bích kể.
Chị cho biết, mấy chị em văn phòng còn bày nhau cách tự làm nem, sau đó rán sơ cất trong ngăn đá, để dành đến bữa cơm, bữa cỗ ngày Tết mang rán qua là ăn được. "Mình nghĩ sẽ áp dụng cách này vì cả nhà đều thích ăn nem. Món này dễ biến tấu, thêm chút tôm hay cua bể vào thành phần là nem vị khác hẳn, ngày Tết mang ra đãi khách cũng ngon", chị Bích chia sẻ thêm.
Chị Bích rất thích cái cảm giác lúc đang làm món bò khô, chốc chốc hai đứa con lại vào hít hà rồi hỏi mẹ "Gì mà thơm thế mẹ ơi", hay "Sắp xong chưa mẹ ơi"..., vừa ăn thử đồ mẹ làm vừa tấm tắc khen "Ngon quá, hơn cả ngoài hàng".
"Món đồ tự tay mình làm không chỉ là sạch, tiết kiệm, giá cả có khi đắt hơn ở ngoài do mình mua nguyên liệu tốt, mà còn chứa đựng rất nhiều tình cảm, vì thế mang lại nhiều ý nghĩa. Cứ nghĩ đến cảnh có ai đến nhà là hai đứa con lại chạy ra khoe 'Mẹ con làm bò khô đấy, ngon lắm', mình lại có động lực làm tiếp", chị Bích nói.
Vương Linh