Ngày 7/6, ông Châu Văn Văn, Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, cho biết một đàn cò nhạn hơn 1.000 con xuất hiện ở khu vực trảng Tà Nốt trong vườn quốc gia từ cuối tháng 5 đến nay.
Cò nhạn (còn gọi là cò ốc), tên khoa học là Anastomus oscitans, có trong Sách đỏ Việt Nam. Chim trưởng thành sải cánh 0,6-1 m, nặng 1-1,5 kg. Sinh cảnh yêu thích của loài này thường ở vùng đất ngập nước như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại ốc, ếch, nhái, cua và côn trùng lớn.
Theo thạc sĩ Hồ Đắc Long, Phó phòng Khoa học, Bảo tồn và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, lâu rồi mới thấy số lượng lớn cò nhạn "dừng chân" ở vườn. "Đây là dấu hiệu cho thấy sinh cảnh ở vườn quốc gia được bảo vệ tốt, tạo điều kiện cho các loại chim cư ngụ, kiếm ăn", ông Long nói.
Cũng theo chuyên gia này, khu vực sinh cảnh ở vườn khá tương đồng với vùng đất ngập nước ở Đồng Tháp Mười. Loài cò nhạn thường xuất hiện 10-30 ngày rồi sau đó sẽ tìm khu vực mới để kiếm thức ăn.
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát với tổng diện tích vùng đệm hơn 18.600 ha, thuộc huyện Tân Biên. Năm 2019, vườn được công nhận là Vườn Di sản Asean. Sau khi xuất hiện đàn cò, vườn đã có nhiều phương án bảo vệ, đồng thời tổ chức cho du khách tham quan, ngắm chim.
Phước Tuấn