"Photoshop mình hơi kém!" là câu đùa cửa miệng khi giải thích việc những tay chụp ảnh kinh nghiệm chú tâm bố cục ánh sáng, đường khối trên tấm ảnh thật chặt chẽ mặc dù họ chụp bằng máy số và những công việc đó hoàn toàn có thể làm trên máy tính. Theo họ, nếu quá ỷ lại vào phần mềm xử lý ảnh trên máy tính thì khó có thể chụp lên tay được. Vì thế, những dụng cụ quang học luôn được ưu tiên đối với nhiếp ảnh thay vì kỹ thuật số.
Phụ kiện mở rộng cho máy ảnh du lịch (Point 'n Shot)
Nắm bắt được nhu cầu này, phụ kiện cho cho dân chụp ảnh số lần lượt ra đời, đặc biệt là những thứ mở rộng tính năng cho dòng máy du lịch "ngắm chụp" vì ống kính của dòng này được gắn liền với thân máy, hạn chế tính năng.
Phụ kiện cho máy ảnh số du lịch của Sony và Nikon. Ảnh: H.H. |
Phổ biến nhất là loại đầu nối (converter) chia tiêu cự của ống để chụp góc rộng (wide converter) và nhân tiêu cự để chụp xa (tele converter). Việt Nam phổ biến các đầu góc rộng 0.45, 0.48, 0.68, các đầu góc xa 1.4, 1.5, 2.0, ... Ngoài ra còn có những đầu kính tạo hiệu ứng đặc biệt như ảnh cong (fisheye), kính chụp macro, lọc màu,
*Tự chế máy tính 'cổ quái' |
*Tự chế loa |
*Camera số cho dân chuyên |
*Kỹ năng chụp đẹp ảnh hoa quả |
Theo anh Huân, chủ cửa hàng thiết bị máy ảnh Giang Duy Đạt (Hà Nội), thì thị trường phụ kiện cho máy số mới manh nha trong thời gian gần đây. Phụ kiện có 2 loại: do chính hãng sản xuất máy ảnh như Canon, Nikon, Sony, Pentax... thiết kế và do các công ty thứ ba làm ra (thường được gọi là dòng "for"). Không như ống kính, có những phụ kiện dòng "for" có chất lượng tương đương với sản phẩm chính hãng vì không đòi hỏi nhiều công nghệ đặc biệt. Hầu hết những thiết bị để chụp góc rộng, tele hoặc macro trên 350 USD hầu như không ảnh hưởng đến chất lượng ảnh, còn dưới 200 USD sẽ có những hiệu ứng phụ trong điều kiện ánh sáng không thuận lợi. Dù sao, chúng có giá bán rẻ hơn nhiều nên dân chơi ảnh số ở Việt Nam chủ yếu tiêu thụ dòng hàng này.
"Khách hàng chơi phụ kiện máy ảnh ở Việt Nam không nhiều, chủ yếu là chơi 1 thời gian lại bán đổi cái khác nên lượng tiêu thụ không lớn. Mặt khác, chúng tôi phải nhập lô hàng với số lượng lớn mới có giá tốt. Hai nguyên nhân đó khiến hàng 'zin' vẫn còn khá hiếm, chủ yếu do người dùng đường xách tay về rồi bán lại", anh Huân nói.
"Hàng" tự chế của dân chuyên nghiệp
Ngược lại với dòng máy ngắm-chụp, máy ảnh số sử dụng ống kính phản xạ đơn (D-SRL) có nhiều tuỳ chọn hơn vì ống kính có thể tháo lắp thay đổi tuỳ theo yêu cầu tình huống. Nhưng giá bán ống kính thường rất đắt nên người chơi ảnh "dân dã" thường tự chế lại đồ cho mình.
Bộ ống kính chụp macro tự chế của anh Lâm. Ảnh: 3xu. |
Với khẩu hiệu "Nhận chiên xào mọi món liên quan đến máy ảnh, thiết kế và phá đồ chơi theo ý thích khách hàng" của cửa hàng Tân Binh trên diễn đàn Xóm Nhiếp Ảnh, đồ chế lại phổ biến nhất là đổi đầu nối (mount) ống kính. Những ống kính M42 (đầu ren xoáy) cổ lỗ sĩ sau khi lắp vòng chuyển đổi và cân chỉnh một chút lại có thể tiếp tục sử dụng với máy ảnh số hiện đại có khớp nối kiểu răng ngạnh. Kính máy ảnh được phủ một lớp hoá chất đặc biệt. Những ống kính ngày xưa chụp có sắc thái riêng, nếu ai đã dùng quen thì không muốn đổi, anh Long nói.
Một lý do khác là điều kiện kinh tế. Đơn cử như chiếc ống 50 mm có độ mở 1,4 do Canon hay Nikon sản xuất mới có giá 200 - 300 USD. Nhưng chiếc ống M42 có khẩu độ và độ mở tương tự của Praktica chỉ 600.000 đồng, kèm theo 1 chiếc vòng chuyển nữa là có thể sử dụng được. Tuy nhiên, người dùng ống chuyển đổi kiểu này chủ yếu là để chụp chơi vì không sử dụng được những tính năng hiện đại như tự động lấy nét, định khẩu. Mọi điều chỉnh đều phải thao tác bằng tay.
Ngoài chuyển khớp nối, một số người chơi còn đấu nối đầu kính để chụp cận cảnh (macro). Đam mê ảnh macro, anh Lâm 3xu, một thành viên diễn đàn Xóm Nhiếp Ảnh, tự chế cho mình 2 bộ ống đặc chủng được tiện từ nhôm khối. Khả năng phóng đại của ống cho phép chụp hình chính xác tới từng sợi râu một con kiến, thậm chí đầu kiến nét căng nhưng đuôi kiến đã mờ. Một tép cam, dãy hạt ớt cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật.
"Chỉ cần hiểu một chút về máy ảnh và quang học để tính toán thông số cần thiết, còn việc gia công thì thợ cơ khí hoàn toàn có thể làm được", anh Lâm nói. Để làm 1 chiếc ống như vậy, tác giả cần mua 1 ống kính Pentacon M42 50mm 1,8 với giá 300.000 đồng, tiền mua nhôm rồi tiện tròn, khoét ruột, tiện ren hết 100.000 đồng, thêm một vòng chuyển đổi giá 100.000 đồng nữa là xong. Bên trong nhất định phải tiện ren nhỏ và sơn đen để chống loá. Nếu muốn ống kính trông đẹp hơn thì mang phần ống nhôm đi sơn đen, phun sần bên ngoài.
Ảnh chụp Macro với dãy hạt ớt và tép quả quất. Ảnh: 3xu. |
Chụp macro bằng ống tự chế khó hơn nhiều so với chụp bằng "hàng" chuyên dụng. Người chụp phải căn nét, mở khẩu, nhại đèn flash bù sáng bằng tay với vật thể rất nhỏ, chỉ cách ống kính 10-20 mm.
"Hầu hết những bức ảnh chụp bằng ống này phải thực hiện ngoài trời nắng mới đủ sáng, nếu không phải nhại bằng đèn flash", anh Lâm nói. "Vì thế vợ con được chứng kiến nhiều cảnh rất buồn cười. Có lần mình và 1 người bạn, hai ông bụng phệ cứ lom khom nhặt vụn bánh dưới sàn nhử kiến, rồi mang nó đặt dưới 1 đáy đĩa nhỏ úp ngược, bên ngoài đặt 1 đĩa to đổ nước để kiến khỏi bò đi mất. Cứ phải 'chăn' kiến một lúc dưới trời nắng cho nó mệt mới chụp được. Lỡ có cơn gió quái ác nào thổi hơi mạnh 1 chút là bay mất con kiến thì lại phải làm lại từ đầu".
(Theo VnExpress)