Mưa to từ đêm 14/8 khiến nước thượng nguồn đổ về gây ngập úng cục bộ tại nhiều xã của huyện Mường Khương (Lào Cai), trong đó nghiêm trọng nhất là xã Nấm Lư.

Nước lũ dâng cao đến nửa nhà ở huyện Mường Khương. Ảnh: Văn Tính.
Chủ tịch xã Lù Văn Tính cho biết, hiện mưa giảm nhưng nước rút chậm nên ba thôn Ngam Lăm, Cốc Chứ, Na Pạc Đổng vẫn bị cô lập, có nơi ngập sâu vài mét. Con đường nối các thôn đều nằm sâu dưới nước. Do địa hình trũng, không có hệ thống thoát nước nên dự kiến gần tháng nữa nước mới rút hết.
"Để đến được trung tâm xã vẫn còn con đường nhỏ đi bộ nhưng rất xa, nên người dân nghĩ ra cách di chuyển là ghép các thân cây tre hoặc nứa thành bè mảng", ông Tính nói và cho biết rất may nước lũ lên từ từ nên địa phương đã kịp thông báo và di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Mưa lớn kéo dài những ngày qua làm sạt lở tuyến quốc lộ từ thị trấn Mường Khương vào xã Nậm Chảy. Hàng chục mét khối đá tràn ra đường, nhiều tảng đá to chắn ngang, giao thông ngưng trệ nhiều giờ liền. Sáng nay tuyến đường đã lưu thông trở lại.

Người dân di chuyển bằng bè tre. Ảnh: Văn Tính.
Theo Đài khí tượng thủy văn Lào Cai, mưa lớn đêm 16, rạng sáng 17/8 khiến nước ở sông Hồng lên cao. Tại thành phố Lào Cai ghi nhận mức 80,1 m (trên báo động 1 là 0,1 m), ngập úng nhiều diện tích cây trồng và vùng thấp ven sông.
Tại Điện Biên, mưa lớn từ đêm 14/8 làm nước các sông huyện Tuần Giáo lên cao. Tại điểm giáp ranh xã Nà Xoay và Mường Khong, đoạn đường tràn dẫn qua suối bị nhấn chìm do lũ lên nhanh.
Để di chuyển từ trung tâm huyện đến Mường Khong, người dân bất chấp dòng lũ chảy xiết đi qua, thậm chí khiêng xe máy lội qua dòng nước lũ.
Video: Hac Lo
Một cán bộ của huyện cho biết, do thiếu kinh phí nên tuyến đường này chưa được đầu tư xây dựng, địa phương mới xây đập tràn tạm để người dân đi lại, nhưng về mùa lũ việc di chuyển rất khó khăn.
Mưa lũ kéo dài còn gây thiệt hại về người, tài sản ở nhiều huyện. Theo Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện Điện Biên Đông, cháu gái 9 tuổi bị lũ cuốn trôi khi trên đường đi chăn trâu đến nay vẫn chưa tìm thấy. Tuyến quốc lộ 12 qua bản Keo Lôm 2, xã Keo Lôm nhiều điểm mất đường, giao thông vào huyện tê liệt.

Huyện Điện Biên Đông bị chia cắt hoàn toàn do sạt lở tại 2 điểm quốc lộ 12. Ảnh: Báo Điện Biên.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mưa lớn ở miền Bắc duy trì hết hôm nay do vùng xoáy thấp di chuyển sang Thượng Lào và suy yếu dần. Từ mai mưa giảm dần về lượng và phạm vi. Nhưng một số nơi vẫn nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét gồm: Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ xảy ra từ ngày 14 đến 16/8 làm một người chết ở Quảng Ninh, một mất tích ở Điện Biên. Bên cạnh đó, ba người bị thương; hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước, ảnh hưởng do sạt lở; hàng trăm ha lúa, hoa màu thiệt hại. Về giao thông, thiên tai làm gần 2.000 m ở 22 điểm trên quốc lộ 3B Km61-Km211 thuộc tỉnh Bắc Kạn và 150 m quốc lộ 279 từ tỉnh Bắc Giang đi Ba Chẽ (Quảng Ninh) bị sạt lở. |