"Chúng tôi đã nhờ người mua bắp, cỏ tươi và cám gia súc bổ sung để hồi phục đàn bò", ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng - đơn vị tạm thời quản lý đàn bò tót - thông tin với VnExpress sáng 29/9.
Theo ông Chương, sau khi kết thúc dự án "Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa", tháng 6/2019, đàn bò tót ở trại khảo nghiệm Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) được giao cho cơ quan ông quản lý tạm thời.
Là đơn vị sự nghiệp, kinh phí hoạt động khó khăn, nhưng trung tâm phải chi mỗi tháng hơn 10 triệu đồng để thuê người trông coi, mua rơm và thi thoảng mua thêm một ít cám cho đàn bò ăn suốt hơn năm qua.
Sáng nay, trung tâm đã chuyển gần 21 triệu đồng trả cho ông Nguyễn Đình Tích, người được thuê trông coi trại bò tót. Ông Tích cho biết đây là số tiền mà ông ứng trước, gồm: tiền công trông trại 2 tháng, tiền điện và tiền mua rơm khô trong 3 tháng qua.
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) cho biết, đến sáng nay, cơ quan chuyên môn ở tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa liên hệ để lên kế hoạch cụ thể bàn giao đàn bò tót lại cho vườn quốc gia này.
Tuy nhiên, trước tình trạng đàn bò tót F1 quý hiếm bị suy kiệt như phản ánh, Vườn quốc gia Phước Bình đang họp bàn và tính đến phương án tự ứng trước kinh phí để mua thức ăn và thuốc men phục hồi sức khỏe cho chúng.
Năm 2009, con bò tót đực liên tục về khu rẫy thôn Bạc Rây tấn công bò đực nhà, giành quyền giao phối với các bò cái nhà của người dân. Hơn 20 con bò tót lai được sinh ra có vóc dáng và đặc tính hoang dã như bò cha (đã chết năm 2014).
10 con F1 (5 đực, 5 cái) được nhà nước mua lại làm đề tài nghiên cứu gen phát triển thế hệ F2, F3... tạo hướng đi mới cho ngành chăn nuôi. Đến nay, 5 con cái trong đàn vẫn chưa sinh sản. Riêng một con đực đi rong, tình cờ giao phối với bò cái nhà, sinh ra một con cái khác. Con F2 này cũng được mua lại của người dân, cho nhập đàn thành 11 con như hiện nay.
Đàn bò tót lai này từng được các nhà khoa học đánh giá là nguồn gen quý hiếm. Nhưng hơn năm qua, khi dự án nghiên cứu kết thúc, chúng bị "bỏ rơi", ở trong chuồng chỉ được ăn rơm khô và uống nước lã. Gần đây, do người chăm sóc không được gửi tiền, mỗi ngày một con ăn chưa đến một cuộn rơm, dẫn đến ốm trơ xương.
Về đề tài nghiên cứu phát triển nguồn gen quý của đàn bò tót này, hôm 26/9, PGS.TS Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng (chủ nhiệm đề tài) cho hay chưa thể nói gì về kết quả dự án vì còn nhiều vấn đề phức tạp, cần phải chờ thêm các dự án nghiên cứu tiếp theo.
Còn kỹ sư Võ Thị Quỳnh, cán bộ Phòng Nghiên cứu - Chuyển giao (Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng), thành viên cùng tham gia đề tài này nói rằng chỉ mới tham gia giai đoạn sau (khoảng 2 năm cuối), nên cũng "không dám phát ngôn về tổng thể dự án nghiên cứu".
Việt Quốc