- Sau khi lấy ý kiến nhân dân, dự luật được điều chỉnh nhiều nhất ở phần nào? - Chương thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhất là với đất phục vụ phát triển kinh tế. Nhà nước sẽ chỉ trực tiếp thu hồi đất với những dự án lớn tầm quốc gia, hoặc khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Còn đất để xây dựng mặt bằng sản xuất kinh doanh đơn lẻ thì chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân địa phương để nhận chuyển nhượng. Hình thức chuyển nhượng sẽ rất đa dạng, như cho người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hay chuyển nhượng để được làm việc tại cơ sở sản xuất. Ngoài ra một loại doanh nghiệp nhà nước đặc biệt có chức năng phát triển, quản lý và kinh doanh quỹ đất sẽ được thành lập. Công ty được tham gia thị trường, được vay vốn ngân hàng để đền bù, giải phóng mặt bằng ngay từ khi mới có quy hoạch tổng thể. Đến khi có dự án, họ được thỏa thuận về giá với chủ đầu tư để cho thuê hay chuyển nhượng lại những khu đất sạch. Đây là mô hình đã thí điểm thành công ở một số địa phương, như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... - Việc để chủ đầu tư tự thỏa thuận về giá với dân sẽ đẩy gia đền bù giải phóng mặt bằng lên cao, ông nghĩ sao? - Các quy định đồng bộ trong luật sẽ giảm áp lực cầu về đất, nguồn cung luôn luôn có dự trữ. Cơ chế thị trường sẽ điều tiết mạnh quan hệ cung cầu. Giá chuyển nhượng quá cao thì nhà đầu tư có thể tìm chỗ khác rẻ hơn hoặc vào khu công nghiệp vốn đang thừa chỗ. Nhà nước cứ phải trực tiếp thu hồi đất bất kể diện tích phục vụ dự án ít hay nhiều, không phải là cách hay. Các chủ đầu tư đang kêu là bị một cổ đôi tròng: vừa phải làm việc với ban quản lý dự án giải phóng mặt bằng, vừa phải trực tiếp quan hệ, thuyết phục dân, thậm chí phải bù thêm tiền cho dân để dân trả đất. - Chênh lệch giữa giá đền bù thu hồi đất với giá thị trường rất cao. Các công ty phát triển có thể thu lợi lớn từ việc đó? - Việc thành lập các doanh nghiệp phát triển, quản lý quỹ đất không đặt ra mục đích kinh doanh để kiếm lợi từ địa tô chênh lệch. Đây là tổ chức tư bản nhà nước, do UBND cấp tỉnh quản lý chặt chẽ. Sẽ có quy chế đặc biệt để đơn vị này báo cáo thường xuyên về quỹ đất quản lý, có thể dưới hình thức nửa sự nghiệp, nửa doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có toàn quyền chuyển nhượng hoặc cho chủ dự án thuê đất, tất cả phải thông qua phê duyệt của chính quyền. Thực chất việc thành lập công ty phát triển quỹ đất là để chính quyền không phải trực tiếp thu hồi đất ở dân, mà chỉ cần nắm chặt công ty đó, để họ tự làm việc với dân theo cơ chế thị trường. - Liệu người dân bị giải tỏa lấy đất làm dự án sẽ được lợi gì hơn so với Luật Đất đai hiện hành? - Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ ngày mai đã cụ thể hóa yêu cầu nơi tái định cư phải có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Theo đó nguyên tắc đền bù khi nhà nước thu hồi đất là: mất đất thì đền bù bằng đất, mất nhà bồi thường bằng nhà, bị thu hồi đất sản xuất thì sẽ được bố trí đất sản xuất ở khu vực khác, trường hợp không giải quyết được thì mới đền bù bằng tiền. Quy định này khác với cách thức giải phóng mặt bằng hiện tại là chủ yếu đền bù bằng tiền, dễ gây tâm lý đắt rẻ với người bị thu hồi đất. Ngoài ra dự luật thể hiện rõ chủ trương một cửa trong cải cách hành chính. Luật tập trung quy định những vấn đề liên quan trực tiếp tới người dân, còn quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, thể hiện quan hệ điều hành, phối hợp công tác quản lý, thì đưa vào nghị định của Chính phủ. Các quy định về thủ tục cấp đất, làm giấy tờ quyền sử dụng đất được thiết kế lại theo hướng định rõ thời hạn giải quyết, và một cửa nhận hồ sơ để người dân làm thủ tục. Nghĩa Nhân |