Trong khung giờ cao điểm vào một buổi sáng ở Berlin, dòng người đạp xe liên tục băng qua Friedrichstrasse, con phố mua sắm nổi tiếng chạy qua trung tâm thành phố.
"Tránh ra xem nào!", một người trong nhóm đạp xe hét lớn sau khi khóa xe trái phép trên vỉa hè và suýt tông vào một người đi bộ.
Bernd Lechner, 40 tuổi, may mắn tránh được những chiếc xe đạp lao vun vút, song sự việc hôm nay khiến ông đủ hiểu thái độ "ngày càng hung hăng" của những người đi xe đạp ở thủ đô. "Mọi thứ ngày càng tệ hơn. Tôi bắt đầu trở nên sợ xe đạp hơn là ô tô", Lechner nói.
Berlin từ lâu đã được biết đến là một thành phố ưa chuộng xe đạp, song số người đạp xe tăng mạnh thời Covid-19 đã gây ra căng thẳng trên đường phố. Theo giới chức thủ đô, lượng người Berlin đạp xe đi làm hay đi mua sắm đã tăng khoảng 25% kể từ khi bùng phát dịch.
Đây hoàn toàn là tín hiệu tốt cho chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng, vì đạp xe sẽ làm giảm lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng đông đúc thời Covid-19.
Tuy nhiên, Cảnh sát trưởng Berlin Barbara Slowik cho biết lực lượng này đã ghi nhận số vụ vi phạm của người đi xe đạp cũng như số vụ khiếu nại từ người đi bộ tăng mạnh.
"Hơn 50% tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan tới người đi xe đạp là do chính họ gây ra", Slowik nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Berliner Morgenpost hồi tháng 10. Ông thậm chí còn đề xuất đăng ký bắt buộc đối với người đi xe đạp để giúp giới chức dễ dàng xác định những người vi phạm quy tắc.
Theo số liệu thống kê ở Berlin, 17 người đi xe đạp đã thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở thành phố năm nay, cao hơn 11 người so với năm 2019.
Tuy nhiên, theo Ragnhild Soerensen, chuyên gia của một tổ chức phi chính phủ vận động cho giao thông bền vững, ý tưởng bắt buộc đăng ký xe đạp dường như khó thành hiện thực. Berlin có khoảng ba triệu xe đạp, trong khi chỉ có khoảng 1,1 triệu ô tô đã đăng ký.
Anika Meenken, thuộc hiệp hội vận tải Verkehrsclub Deutschland (VCD), cho biết chỉ 3% không gian trong thành phố dành cho người đi xe đạp, trong khi họ chiếm tới 18% lưu lượng giao thông. "Tình trạng vô tổ chức xảy ra khi không gian quá chật hẹp, gây ra nhiều căng thẳng", Meenken nói.
Lãnh đạo phòng giao thông của cảnh sát Berlin Oliver Woitzik trong khi đó lập luận rằng "chúng ta không thể chỉ xây đường dành cho xe đạp hay vỉa hè ở mọi nơi".
Woitzik cũng cảnh báo những người đi xe đạp vi phạm luật có thể sẽ bị phạt nặng hơn trong tương lai, khi cảnh sát Berlin đang tăng cường triển khai các sĩ quan đạp xe tuần tra quanh thành phố.
"Đội cảnh sát đạp xe hiện có 40 người, dự kiến tăng lên 100 người vào mùa xuân và tiếp tục tăng trong vài năm tới", Woitzik nói.
Ngọc Ánh (Theo AFP)