Trang Hạ -
- Tên sách: Đàn bà ba mươi.
- Tác giả: Trang Hạ.
- Tủ sách Amun liên kết NXB Văn học.
- Giá bìa: 33.000 đồng.
Tôi có nhiều bạn bè ở cái “ngưỡng 30”, cảm nhận được đây quả là một cột mốc không dễ đón nhận với những ai đang bước tới.
30 là tuổi của chững chạc, trưởng thành nhưng sẽ đau đáu nếu con người ta chưa làm được gì cho cuộc đời mình. Tuổi của trầm tĩnh, bình thản nhưng cũng lắm lúc khắc nghiệt khi cảm xúc chừng như chai mòn trước những năm tháng vướng hệ lụy từ cuộc sống. Tuổi của mở lòng chia sẻ và bao dung nhưng cũng vài khi là thu mình vào thế giới riêng, chọn cách ngồi lại với mình, nhìn lại chặng đường đã qua. Tuổi biết níu giữ nhưng cũng dám buông bỏ, của hạnh phúc tròn đầy hoặc của chênh vênh kiếm tìm.
Tuổi để một con người làm gì cũng phải cân nhắc, biết mình không còn trẻ nữa…
Bìa cuốn "Đàn bà ba mươi". |
Có chút gì đó xao xác khi đọc tản văn Bay qua thời thiếu nữ ngay những trang đầu của tập sách. Đó như một cánh cửa để độc giả biết rằng mình sẽ bước vào những trang chữ viết về phía sau tuổi thanh xuân. Có thể không một người phụ nữ 30 bất chợt phải lòng một cậu bé sinh viên ôm đàn hát? Hay cái sự “phải lòng” trong lãng mạn tình cờ ấy chỉ là đặc quyền dành cho lứa tuổi hai mươi mơ mộng?
Đọc Đàn bà ba mươi với những câu chữ thấm thía, tôi hiểu vì sao tản văn này lại có sức lan tỏa trên cộng đồng mạng nhiều đến vậy. “Những người đàn bà đang đi tới tuổi ba mươi thường hoảng hốt, những người đàn bà vượt qua tuổi ba mươi thường bình yên… Vì năm tháng đã trôi qua lặng yên, có thứ đã đến, như thành đạt, như từng trải, như tiền. Nhưng có thứ không níu nổi, như tuổi trẻ. Đàn bà ba mươi tối kỵ ngồi một mình, nghĩ một mình, làm một mình và sống quạnh hiu”. Có thể, sẽ rất nhiều người hạnh phúc ở tuổi 30, khi đã có đủ một gia đình trọn vẹn 3 ngọn nến. Cũng có những người hạnh phúc vì “có một việc để làm, có một ai đó để yêu và có điều gì đó để hy vọng”. Nhưng tôi biết, cũng sẽ có rất nhiều nỗi niềm lặng câm trong trái tim 30 cô độc được che lấp bởi những nụ cười vẫn phải thường hằng.
Đã hơn 15 năm kể từ khi tôi đọc Tình khúc, tác phẩm đoạt giải khuyến khích Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 1-1995 của Trang Hạ. Nay đọc tập tản văn Đàn ba ba mươi của chị mới thấy rõ sự khác biệt lớn trên trang viết của cây bút nữ này. Có thể những mẩu chuyện trong tập tản văn chỉ là ký ức, kỷ niệm, suy nghĩ của riêng tác giả. Nhưng những điều đó, kỳ lạ thay lại có bóng dáng của cái chung, chạm được đến sự đồng cảm của độc giả.
Tôi cũng đã đọc tập truyện Những đống lửa trên vịnh Tây Tử, tiểu thuyết Chuyện kể dưới ngọn đèn đường và nhiều tác phẩm dịch của chị, nhưng có lẽ, tập tản văn Đàn bà ba mươi mới cho tôi thấy một Trang Hạ “nguyên bản” nhất. Vì đó là những lát cắt của cuộc đời chị - không giấu giếm. Thật đến mức người đọc có lúc bật cười vì cái sự thú nhận đơn giản đến bình thản của người viết: người yêu ta bỏ ta vì ta…xấu! Nhưng cũng đủ lắng lòng với Không có bông hồng cài áo, giật mình với Hạnh phúc không cần đám đông, Quảng cáo thành công xã hội thất bại…
Câu chữ Trang Hạ bây giờ sắc sảo hơn, hài hước nhưng cũng thoáng chút mai mỉa và có cả cay đắng khi không ngại bày tỏ quan điểm, nhận xét (và cả phán xét). Chị cũng không khoan nhượng khi nói thẳng, nói thật vào cảm xúc của con người - nhất là khi con người ấy đứng ở lưng chừng của ranh giới giữa thời thiếu nữ và người đàn bà.
Những câu chữ cứ tự nhiên như không, như thể mọi thứ trong cuộc đời này cũng chỉ là những mảnh bình thản phù phiếm. Tuổi 20, cái gì cũng là quan trọng, còn ở ngưỡng 30, hình như mọi thứ đều nhẹ nhàng đi. Nỗi đau cũng vậy, chẳng phải trái tim người không còn cảm xúc mà đã thấu hiểu quá nhiều những lao lung của đời sống, biết chọn cách buông bỏ, tự tìm lấy lối về thanh thản cho chính mình. Đọc Đàn bà ba mươi của Trang Hạ, tôi cũng nhớ bài viết dành cho đàn ông ba mươi của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng. Ở ranh giới này, đàn ông cũng có lúc “nhìn lại những tháng năm đi qua bỗng thấy hun hút trống trơn, có lúc giật mình thảng thốt”. Và cả hai đối tượng đều có chung một sự trầm tĩnh đến bình thản. “Đàn ông ba mươi đủ tinh tế để vượt qua những giá trị phù phiếm. Biết ghìm mình trước những thất bại. Bình thản trước tai họa. Thấm thía được nỗi cô đơn. Thấm thía được sự bội bạc. Cảm nhận được đến tận cùng sự ấm áp mà con người dành cho nhau. Đàn ông ba mươi độ lượng hơn, biết cách lý giải cuộc sống”.
Tuổi trẻ với những lý tưởng tràn đấy sức sống, nhưng ở ngưỡng 30 những giấc mơ lấp lánh leng keng một thời có khi chỉ là một thứ trang sức để người ta nhìn vào đó mà mỉm cười, để nhớ và kể cho nhau nghe rằng, ừ thì ngày xưa mình đã có một thời như thế.
Có người đi qua 30 và xem cuộc sống đã là điểm dừng cho sự an bài, không còn nghĩ về những giấc mơ thời trẻ. Cũng có ngươi tiếp tục lao vào thực hiện những mục tiêu còn dang dở bằng một cuộc chạy đua nước rút với thời gian.
Tuổi 30 là dấu mốc thứ hai sau hành trình tuổi hai mươi hay món quà với cái giá mỗi người nhận được chính là trải nghiệm sống, những điều thấm thía đủ làm sức mạnh cho riêng mình. Để thấy con đường phía trước vẫn còn dài lắm...
Tiểu Quyên