Trong phiên họp thường niên ngày 24/2, Công ty cổ phần Công viên nước Đầm Sen (Đầm Sen Nước - DSN) thông qua việc đầu tư mới một số trò chơi có tính tương tác cao cho nhóm gia đình, bạn bè. Đây là nhu cầu sau nhiều năm chưa được đầu tư để quảng bá, thu hút khách hàng, làm mới các trò chơi trên hạ tầng hiện có.
Ban lãnh đạo công ty này cũng nhận thấy đang phải cạnh tranh gay gắt với các đơn vị xung quanh, cùng khu vực TP HCM như Suối Tiên, công viên Grand Park (đang dự kiến đổi thành VinWonders) thuộc TP Thủ Đức. Ở các tỉnh lân cận, đối thủ của họ còn có Sơn Tiên (Đồng Nai) hay Đại Nam (Bình Dương).
Đầm Sen Nước cho rằng áp lực cạnh tranh với các công viên khác làm chia thị phần du khách và công ty du lịch lữ hành. Đây cũng là yếu tố khó khăn cho chiến lược kinh doanh của họ năm nay.

Trò chơi máng trượt ở công viên nước Đầm Sen (quận 11, TP HCM). Ảnh: DSN
Với kế hoạch đầu tư mới, Đầm Sen Nước đã liên hệ khảo sát cùng Công ty Tailong International (Trung Quốc) và công ty Arihant Water Park Equipment (Ấn Độ) để thiết kế bố trí một số máng trượt tại các khu vực trong công viên, thay thế một số trò chơi đã hoạt động hơn 20 năm. Tailong International là công ty thực hiện nhiều công viên giải trí tại Trung Quốc, châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Còn Arihant Water Park Equipment là đơn vị sản xuất các đường trượt và trò chơi công viên nước cho hơn 800 dự án tại 63 quốc gia.
Song song đó, Đầm Sen Nước cũng sẽ đầu tư thay thế dần một số tủ mới tại khu gửi đồ có nhận diện khuôn mặt, làm mới toàn bộ khu vực massage tia nước, khu trò chơi vũ điệu giấc mơ, bối trí mới một số trò chơi cây quay nước, súng phun nước...
"Công viên nước Đầm Sen hiện nay rất hạn chế quỹ đất không thể mở rộng để đầu tư hạng mục công trình mới, nhưng cố gắng tận dụng các lợi thế về địa điểm ngay trong lòng thành phố và sát bên cạnh Đầm Sen Khô để cải tạo đầu tư làm mới một số hạng mục nhằm phục vụ tốt hơn cho du khách", Hội đồng quản trị nêu trong tài liệu họp cổ đông.
Ngoài đầu tư trò chơi mới, công ty còn tính đến việc đẩy mạnh hợp tác với các chương trình truyền hình hợp xu hướng của giới trẻ. Ban lãnh đạo lên kế hoạch mời hoặc thuê các chương trình tạo sự kiện vào dịp cao điểm và cuối tuần, liên kết các nhóm nhạc, các chương trình về rap, hiphop...
Với các kế hoạch trên, năm nay, Đầm Sen Nước kỳ vọng ghi nhận 225 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 82 tỷ đồng. Họ đặt mục tiêu doanh thu nhích thêm 3% nhưng lợi nhuận lại đi lùi hơn 11%. Trong cơ cấu nguồn thu, bán vé vào cổng vẫn là chủ đạo, chiếm gần 75%. Công ty còn lên kế hoạch kiếm thêm ở mảng ăn uống (dự kiến 39,6 tỷ) hay cho thuê mặt bằng (hơn 2,4 tỷ đồng).
Năm 2024, công ty này đạt doanh thu khoảng 217,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 92,6 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu giảm lần lượt 13% và 18% so kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do tổng lượt khách đến công viên chỉ đạt hơn 1 triệu lượt, sụt khoảng 17,8%. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng hụt đi gần 24% so với cùng kỳ.
DSN là chủ quản công viên nước Đầm Sen, nằm cạnh và là công ty con của Phú Thọ Tourist (DSP) - đơn vị sở hữu công viên văn hóa Đầm Sen (Đầm Sen Khô) tại quận 11, TP HCM. Nhiều năm gần đây, trong khi Đầm Sen Khô có kết quả kinh doanh lận đận, Đầm Sen Nước có dấu hiệu vực dậy nhờ thực hiện tốt các chiến dịch truyền thông.
Tất Đạt