Cuộc họp Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia TPP dự kiến kết thúc vào 1/10 nhưng có thể còn kéo dài đến chiều 4/10 (giờ Mỹ). Japan Times cho biết các nước chỉ còn vài vấn đề chưa thống nhất, trong đó nóng nhất là thời hạn bản quyền dược phẩm.
Nỗ lực kéo dài thời hạn độc quyền thuốc của Mỹ đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nước TPP và đang khiến cuộc họp bế tắc. Bộ trưởng Thương mại Akira Amari cho biết Nhật Bản chấp thuận ở lại Atlanta (Mỹ) thêm một ngày nữa, nhưng muốn Mỹ phải tìm được cách đẩy nhanh vấn đề dược phẩm.
"Tôi đã nói rằng có 2 điều kiện để chúng tôi ở lại. Một là đây sẽ là cơ hội cuối cùng, nói cách khác, họ phải chắc chắn sẽ đạt thỏa thuận về dược phẩm. Hai là, vì vấn đề lịch trình, Nhật Bản không thể ở lại lâu hơn được nữa", ông cho biết với báo giới. Thứ Hai và thứ Ba tuần tới, các Bộ trưởng Thương mại G20 sẽ có cuộc họp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), theo AFP.
Cho đến thứ Sáu, các đại diện đàm phán vẫn còn bế tắc với 3 vấn đề - bản quyền dược phẩm, mở cửa thị trường với các sản phẩm từ sữa và ôtô. Sau đó, các nước liên quan đã đạt thỏa thuận chung về quy định miễn thuế nhập khẩu cho ôtô.
Trong khi đó, New Zealand cũng đã nhượng bộ đáng kể về lập trường với mở cửa thị trường sản phẩm từ sữa. Nước này đang kêu gọi hạ thấp rào cản với các sản phẩm của mình. Cho tới hôm qua, Thủ tướng New Zealand – John Key vẫn khẳng định TPP sẽ có lợi lớn cho nước họ, kể cả nếu ông không thể đạt tiến triển hơn nữa về vấn đề này.
Trên Reuters, Bộ trưởng Thương mại New Zealand - Tim Groser cũng thường xuyên nhắc lại rằng họ sẽ không rời bàn đàm phán. "Dù gì chúng tôi cũng không đặt mục tiêu quá cao".
Ông cho biết không đạt thỏa thuận về sữa sẽ có ảnh hưởng chiến lược dài hạn lên Mỹ và các đối tác thương mại. "Anh có thể thấy, chúng tôi đã gần đến đích rồi. Câu hỏi giờ chỉ là anh có đủ sức mạnh chính trị để tiến nốt bước cuối và hoàn tất hay không thôi", ông nói.
New Zealand từ lâu đã khó thống nhất với Mỹ về bơ-sữa. Nhưng giới quan sát vẫn đang kỳ vọng cả hai nước sẽ cùng nhượng bộ.
Về vấn đề dược phẩm, Mỹ trước đó đã hạ yêu cầu xuống 7 năm, nhưng sau đó lại tăng lên tối thiểu phải 8 năm. Australia cùng một số nước khác như New Zealand và Chile vẫn kiên trì với quan điểm 5 năm. Họ cho rằng thời kỳ này càng dài, chi phí các chương trình chăm sóc y tế của Chính phủ càng lớn. Vì vậy, các bên vẫn đang đàm phán tích cực để tìm kiếm sự nhượng bộ.
Thủ tướng Canada - Stephen Harper cũng cho biết thỏa thuận đã có tiến triển. "Tôi muốn trấn an mọi người rằng chúng tôi đang đàm phán một thỏa thuận có lợi nhất cho đất nước chúng ta", ông cho biết với báo giới Canada.
Hà Thu