Xe tăng Nga rút khỏi vùng đệm an ninh quanh Nam Ossetia và Abkhazia. Ảnh: AFP. |
"Có hai phòng họp riêng biệt, một bên là phái đoàn Nga với Abkhazia và phòng kia là đoàn Gruzia", Sergei Shamba, người phụ trách ngoại giao của chính quyền ly khai Abkhazia, cho biết. Lẽ ra đây là lần đầu tiên đại diện hai bên đối thoại trực tiếp kể từ sau cuộc chiến 5 ngày hồi tháng 8.
Nhà ngoại giao thuộc Liên minh châu Âu Pierre Morel cho biết các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại vì "những khó khăn về thủ tục" và sẽ nối lại vào ngày 18/11. Tuy nhiên, ông không nói rõ lý do đó là gì.
Trưởng phái đoàn đàm phán Gruzia, Thứ trưởng Ngoại giao Giga Bokeria, cáo buộc phái đoàn Nga từ chối gặp họ. "Thật đáng tiếc là phía Nga đã đẩy tiến trình này căng thẳng nghiêm trọng ngay từ đầu", ông nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin khẳng định phía Gruzia đã làm hỏng các cuộc đàm phán vì không tham dự phiên họp toàn thể thứ hai hôm qua. Ông cũng tuyên bố Nga sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đối thoại nào nữa với Gruzia nếu hai vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia không được mời.
Các cuộc đàm phán này được tổ chức tại Geneva do Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc và Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) chủ trì. Sự kiện này diễn ra sau thỏa thuận ngừng bắn mà Pháp làm trung gian. Matxcơva đã rút toàn bộ binh sĩ khỏi các vùng đệm an ninh xung quanh những khu vực ly khai theo thỏa thuận trên nhưng vẫn duy trì khoảng 8.000 quân tại Nam Ossetia và Abkhazia.
Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia hôm 26/8, hai tuần sau khi Matxcơva đưa quân đến thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia. Tbilisi và phương Tây kịch liệt lên án động thái này.
Vùng đất Ossetia thuộc vùng Kavkaz được chia thành hai phần: Bắc Ossetia là nước cộng hòa thuộc Nga còn Nam Ossetia vốn thuộc Gruzia, nhưng ly khai cùng với Abkhazia kể từ sau cuộc xung đột 1991-1992. Nam Ossetia từng tuyên bố độc lập nhưng không được bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận.
Gruzia luôn coi Nam Ossetia và Abkhazia là phần lãnh thổ của họ. Matxcơva trước đây không công nhận chính quyền tự xưng tại hai nơi này, nhưng cấp quốc tịch cho hầu hết dân số của họ. Người dân địa phương cũng chủ yếu sử dụng đồng rúp của Nga trong tiêu dùng.
Ngọc Sơn (theo AFP, Ria Novosti)