Bộ Công Thương vừa công bố kết luận về thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình. Kết luận đã chỉ ra 9 sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh tại dự án này.
Cụ thể, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) đã phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở kết quả đánh giá hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, công tác dự báo còn hạn chế. Bộ Công Thương cũng cho rằng việc bổ nhiệm Giám đốc Ban quản lý dự án chưa tuân thủ quy định.
Bản kết luận thanh tra cũng hé lộ nhiều khúc mắc giữa chủ đầu tư và nhà thầu EPC - Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc). Cụ thể, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với hợp đồng EPC. Qua nhiều lần đàm phán, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được giá trị và trách nhiệm của mỗi bên đối với lượng than chạy thử cấp vượt. Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử.
Thanh tra của Bộ Công Thương nhận định, đây là một trong số các nguyên nhân của việc chưa quyết toán được hợp đồng EPC.
Bên cạnh đó, nhà thầu EPC thi công chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký là 420 ngày, phát sinh chi phí, riêng số tiền lãi vay đã trả trong thời gian hợp đồng EPC bị kéo dài là 527 tỷ đồng. Dù đã qua nhiều lần đàm phán nhưng đến nay các bên chưa xác định được giá trị phạt chậm tiến độ.
Chủ đầu tư nhận bàn giao tạm thời nguyên trạng nhà máy từ nhà thầu khi các thông số kỹ thuật chưa đạt theo báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và hợp đồng EPC đã ký. Dây chuyền thiết bị hoạt động chưa ổn định, số ngày chạy máy và công suất không đạt theo báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Đến nay, sau hơn 4 năm vận hành thương mại nhưng chủ đầu tư và Nhà thầu chưa tiến hành ký nghiệm thu bàn giao dự án chính thức và vẫn đang trong quá trình tiếp tục đàm phán để xử lý các tồn tại. Chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được trách nhiệm của mỗi bên đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng nên dự án chưa được quyết toán.
Nhà máy đi vào sản xuất từ năm 2012, tuy nhiên còn tồn tại một số nội dung thuộc hợp đồng EPC chưa được khắc phục hoàn thiện phải loại trừ khỏi quyết toán hợp đồng đối với các công việc về xây dựng, cơ khí, điện, đo lường, sửa chữa, giá trị bồi thường các thông số không đạt giá trị đảm bảo và công việc không được nghiệm thu với tổng số tiền 2 triệu USD và 114 tỷ đồng.
"Vinachem và Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh, còn một số thiếu sót trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện dự án", kết luận của Bộ Công Thương nêu.
Do những yếu kém, sai phạm trong quá trình quản lý, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình liên tục lỗ từ năm 2012 đến năm 2015. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi lỗ kế hoạch được đặt ra trong 3 năm đầu là 1.025 tỷ đồng (tương đương gần 48 triệu USD). Song trên thực tế, số lỗ của doanh nghiệp này đến hết năm đã là 1.719 tỷ đồng, vượt so với số lỗ kế hoạch 694 tỷ. Cũng theo báo cáo nghiên cứu khả thi, từ năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi, nhưng thực tế năm 2015 công ty lỗ 364 tỷ đồng.
Trong một báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương mới đây Nhà máy Đạm Ninh Bình cho biết,nếu tiếp tục dừng máy trong năm 2017, Đạm Ninh Bình sẽ lỗ 1.200 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp này đã có kế hoạch sản xuất trở lại với sản lượng dự kiến 290.000 tấn ure và với phương án này, công ty có thể giảm lỗ 250 tỷ.
"Đến thời điểm hiện tại, dự án không có hiệu quả về kinh tế, dẫn đến tình trạng tạm dừng sản xuất, người lao động thực hiện nghỉ luân phiên, không đảm bảo hiệu quả về mặt xã hội", kết luận của Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cho biết, với những sai phạm nêu trên cơ quan này đã yêu cầu Vinachem, Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm, khuyết điểm và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương được giao đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất của công ty Đạm Ninh Bình, không để thất thoát tài sản của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người lao động...
Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình có tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng (khoảng 667 triệu USD), công suất thiết kế 560.000 tấn urê năm được xây dựng tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình). Chủ đầu tư là Vinachem, nhà thầu EPC là Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc).
Dự án được khởi công ngày 10/5/2008 và được nhà thầu EPC bàn giao quyền chỉ huy Nhà máy cho Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình ngày 23/9/2012. Ban quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình giao tạm thời nguyên trạng nhà máy cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và vận hành từ ngày 15/10/2012 cho đến nay.