Khi nói đến sự đam mê chinh phục hoài bão, tôi luôn nhớ đến người thầy đáng kính của mình. Ông là cha đẻ của những anten parabol, hệ thống thu truyền hình vệ tinh đầu tiên ở Việt Nam. Đó là PGS.TS Hoàng Đình Chiến - giảng viên Bộ môn Viễn thông - Khoa Điện - Điện tử - Trường Đại học Bách Khoa TP HCM. Ông, với sự đam mê, gan góc và liều lĩnh của mình đã vượt qua những sóng gió chông gai cuộc đời, để người đời phải nể phục tài năng và nhiệt huyết với nghề của mình.
Tuổi thơ của ông sống trong bom đạn chiến tranh chống Mỹ xâm lược rất khốc liệt miền Bắc, với những ngày đi sơ tán cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn đủ mặt. Dù vậy ông vẫn duy trì việc học và tự học hàng ngày với kỷ luật thép. Nhờ việc kiên trì và kỷ luật trong việc tự học, tự tìm tòi, đọc sách mà ông đã tích lũy được nhiều kiến thức cho bản thân. Những kiến thức tích lũy được đó đã giúp ông biến tuổi thơ bom đạn trở nên thú vị với những món đồ chơi tự chế như sáo diều, máy bay mô hình, loa Galen, tên lửa với thuốc phóng lấy từ các viên đạn lép, con quay… Có thể từ đây đã hình thành trong ông niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Năm 1973, sau kỳ thi tuyển sinh đại học ông được đi du học ở trường Đại học thông tin liên lạc Moscow và hoàn thành chương trình thạc sĩ ở đây. Khi học ở đại học, ông đã lấy việc chăm chỉ học hành, cần cù bù thông minh, kiến thức tích lũy dần lên. Kết quả là năm thứ 3 ông được trường trao giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên. Mỗi mùa hè ông đều đi làm lao động thực tế, khi thì làm ở nhà máy chế tạo biến áp - động cơ, khi thì làm đi xa tận Siberia… Qua đó tự học hỏi trưởng thành lên từ trường đời. Thu nhập thêm có được thì ông ưu tiên mua đủ loại sách liên quan đến chuyên môn và đi du lịch khắp nơi ở châu Âu để mở mang tầm nhìn. Sách của ông nhiều đến nỗi khi học xong thạc sĩ và về nước vào năm 1980 thì phải đóng một contener riêng để chở về.
Sau khi về nước, ông về đại học Bách Khoa TP HCM làm giảng viên. Nhận thấy những gì đã biết còn hạn chế, xa rời thực tiễn, ông đi thực tế và làm mọi việc liên quan đến chuyên môn như sửa TV-Radio, chế tạo các hệ thống vô tuyến vi ba dung lượng nhỏ, máy phát truyền hình, các hệ thống anten vô tuyến. Ông còn tham gia làm việc ở trạm vệ tinh Hoa sen 1, tham gia xây dựng lắp đặt aten trong 9 tháng trạm vệ tinh Hoa sen 2…
Khi nhà nước Việt Nam bắt đầu phủ sóng phát thanh truyền hình qua vệ tinh INTERSPUTNIC năm 1989, ông đã đăng ký đề tài cấp nhà nước về chế tạo hệ thống thu vệ tinh quảng bá năm 1990. Đề tài được hội đồng thông qua nhưng cũng từ đây những mặt trái của cơ chế “ Xin - cho” đã gây nhiều trở lực, chèn ép. Đó là thời gian khủng khiếp với ông, thậm chí có lúc ông bị dồn ép cùng quẫn ức đến nỗi có lúc định quyên sinh. Nhưng sự đam mê, nhiệt huyết với nghiên cứu khoa học, ông đã đứng dậy và để kịp tiến độ đã đăng ký, có bao nhiêu tiền tiết kiệm và vay mượn ông đều đổ vào nghiên cứu ngày đêm, mà không nhận được bất kỳ đồng nào từ đề tài đăng ký.
Ông còn nhớ mãi, vợ ông đã khóc khi ông muốn hỏi vay tiền mẹ vợ để đầu tư nghiên cứu, cả nhà bữa đó bỏ cơm còn vợ ông thì vào bếp khóc vì thấy quá mạo hiểm. Lúc ấy, công trình nghiên cứu không có một hứa hẹn thành công nào cả, tiền nong trong nhà thì đã cạn kiệt, con mới sinh. Cái gì đã khiến ông dám mạo hiểm như vậy, câu trả lời đúng nhất tôi nghĩ chỉ có thể là đam mê. Dù khó khăn là thế, ông vẫn quyết tâm miệt mài đọc và làm cật lực, làm đi làm lại nhiều lần. Việc chế tạo hệ thống thu truyền hình từ vệ tinh bằng vật liệu “ve chai” với các linh kiện chế tạo được gỡ ra dùng từ TV nội địa Nhật (BJT lownoise), linh kiện bán dẫn nhờ bạn bè mua hộ ở Pháp, Đức, đồ quân đội Mỹ trước năm 1975. Ông đã lắp đặt các hệ thống này cho các tòa soạn báo ở TP HCM. Ở mỗi tòa soạn, ông lắp hai hệ thống thu vệ tinh tự chế (rất đặc biệt ở chỗ gọn, nhỏ, nhẹ, có thể đặt trên mái nhựa, tôn, phibro…) thu khoảng 40 kênh vệ tinh về khoa học, giáo dục, thể thao, thời sự… Qua đó tòa soạn chọn lọc đưa ra báo in với thông tin luôn được cập nhật kịp thời và đa dạng.
Sau thành công nghiên cứu ấy, ông đã âm thầm mở xưởng chế tạo tại nhà với 20 thợ. Do bản thân luôn vừa làm thầy vừa làm thợ, nên ông hiểu rõ quy trình sản xuất và huấn luyện đào tạo nhanh đội ngũ nhân công và sản xuất ra thị trường. Thị trường đã đón nhận tích cực trong nhiều năm. Với công trình nghiên cứu này, năm 1993 ông được vinh dự nhận giải Ba giải thưởng sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, Bằng khen Lao động sáng tạo, giải khuyến khích Sáng tạo kỹ thuật TP HCM.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Ngọc Sơn