Có ai thành công mà không phải trải qua khó khăn gian khổ? Có ai thành công mà biết đến con đường trải đầy hoa hồng? Không. Không có bất kỳ ai cả. Những con người thành công nhất thế giới trong từ trước tới nay luôn phải vượt qua những chông gai, trở ngại, thử thách cùng với khát vọng cháy bỏng của bản thân để đến được với ước mơ. Tôi cũng vậy. Vì niềm đam mê và mơ ước của bản thân mà tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ trong khi tôi chỉ là một cậu thanh niên còn trẻ người, non dạ.
Tôi vốn có niềm đam mê hội họa từ bé cho nên không lúc nào tôi có thể rời tay khỏi cây bút chì và cục tẩy. Tôi thường vẽ nhân vật theo trí tưởng tượng, đó có thể là hoàng tử, công chúa trong truyện cổ tích hoặc là cô giáo, bạn bè, người bạn gái tôi quý mến... Bất kỳ khoảng thời gian nào tôi cũng có thể sáng tác ra những tác phẩm hội họa để thỏa mãn thú vui và niềm đam mê. Học hết cấp hai, tôi quyết định thi vào một trường trung cấp chuyên về hội họa và âm nhạc của thành phố, để đi theo niềm đam mê của riêng mình. Bố tôi biết và rất tức giận, muốn đuổi tôi ra khỏi nhà.
Tôi vẫn nhớ như in khoảng thời gian ấy như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. "Nếu mày thích học cái trường hội họa ấy thì mày đừng có nhìn mặt tao nữa, mày học cái trường đấy thì mày có đỗ đại học được không hả con?". Bố tôi vừa giận, vừa quát. Còn mẹ tôi thì buồn rầu chẳng nói chẳng rằng ngồi lặng một góc. Tôi liền nói với bố mẹ:" Học trường ấy các thầy, cô cũng dạy văn hóa cho con mà bố, bố đừng lo". Rồi tôi hứa với bố chắc chắn tôi sẽ thi đỗ đại học. Sau một hồi nghe tôi tâm sự về niềm đam mê, bố mẹ cũng đồng ý cho tôi tự quyết định. Ngày tôi chuẩn bị nhập học, mẹ đã khóc rất nhiều. Tôi biết mẹ đang lo lắng cho tôi, vì từ bé đến giờ, tôi luôn được mẹ quan tâm và chăm sóc, chở che.
Tôi đến với ước mơ với hành tranh mang theo là niềm đam mê và khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ. Tôi háo hức nhưng cũng có chút lo lắng vì quãng đường phía trước là những thử thách đang đón chờ tôi.
Quả thật cuộc sống tự lập với một thanh niên mới lớn không hề dễ dàng. Tháng nào mẹ cũng gửi tiền cho tôi nhưng không đủ. Tôi không dám xin mẹ thêm vì biết hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn vì mẹ còn phải nuôi em ăn học và tiền thuốc cho bố. Một tháng có ba mươi ngày thì đến hơn chục ngày tôi phải làm quen với mì tôm. Nhiều đêm ngồi học mà bụng đói cồn cào, kêu rên âm ỉ làm côn trùng cũng phải tránh xa. Đôi tay tôi run khiến nét vẽ nghệch ngoạc, hình vẽ trở thành những ký tự khó hiểu. Có những lúc tôi nghĩ sẽ chạy thật nhanh về nhà để ôm lấy mẹ khóc và bỏ cuộc để tiếp tục sống trong sự bao bọc của gia đình. Nhưng khi tôi cầm cây cọ trên tay, tôi như được sống trong sự hứng khởi và đam mê. Tôi trở lại làm chính mình, tôi phác những nét vẽ bay lượn, màu sắc trên nền giấy trắng, nó làm lu mờ mọi mọi ý nghĩ tiêu cực và đen tối trong tôi.
Nhưng khó khăn với cuộc sống của tôi không chỉ dừng lại ở đấy. Đêm hôm đó, mẹ gọi điện cho tôi. Tôi nghe thấy tiếng khóc nấc của mẹ ở đầu dây bên kia:" Con à. Bố ốm lắm!.. Mất nhiều tiền thuốc... Nhà hết tiền mẹ không gửi cho con ngay được... Con thư thư vài hôm được không?". Nghe mẹ nói mà tôi cảm nhận được sự đau buồn và u ám đang bao trùm gia đình tôi. Tôi cũng chỉ biết hỏi thăm lại tình hình của bố, rồi động viên mẹ tôi cố gắng. Cả đêm, tôi không ngủ được. Tôi đứng dậy, lấy cọ và giá vẽ, màu vẽ quăng quật lung tung. Tôi hận cuộc sống khó khăn luôn xảy đến với tôi và gia đình. Tôi hận chính tôi. Tôi có tài năng để làm gì khi không giúp được gì cho bố mẹ, tôi có tài năng để làm gì khi nó làm một phần gánh nặng cho gia đình. Tôi đau khổ trút hết nên những tờ giấy vẽ bằng những nét xấu xí, thô kệch. Tôi lặng người suy nghĩ, rằng tôi sẽ phải làm gì đó để giúp gia đình.
Sáng hôm sau, tôi đi khắp thành phố để xin việc làm thêm. Sau hơn một tuần đi rong ruổi, với sự quyết tâm và nhẫn lại, tôi đã tìm được việc làm thêm ở tiệm quảng cáo. Công việc cũng có liên quan đến hội họa, đó là cắt dán, thiết kế bảng quảng cáo, thiệp cưới, danh thiếp... Không dừng lại ở đó, đêm về, tôi lại vùi đầu vào vẽ những bức tranh để đem bán. Tôi thức đêm nhiều làm đôi mắt mỏi nhừ, tím thâm như mắt gấu trúc. Khuôn mặt tôi nhem nhuốc bởi màu vẽ, quần áo thì xộc xệch, dơ bẩn. Để có được bức tranh làm khách hàng vừa ý, tôi phải mất hơn một tuần cùng với chi phí khung, màu giấy... khá tốn kém. Vậy mà thu lãi về được có hơn hai trăm nghìn đồng. Lúc đó tôi mới biết kiếm được đồng tiền không bao giờ là dễ dàng.
Công việc ở tiệm quảng cáo cũng không đơn giản. Hàng ngày tôi phải luôn chân luôn tay cắt cắt, dán dán, thiết kế mẫu mới. Đầu óc tôi như muốn nổ tung ra, chân tay xước xát tứ tung vì dao, kéo. Những lúc đó tôi mới cảm nhận được sự vất vả của mẹ, của cha để kiếm tiền nuôi gia đình. Tuy có vất vả nhưng tôi coi nó là những trải nghiệm thú vị của bản thân trên con đường đến với ước mơ. Việc làm thêm đó tôi trân trọng bao nhiêu thì những người giàu có lại khinh thường, dè bỉu tôi bấy nhiêu. Mỗi lần có vị khách bước xuống từ ôtô sang trọng thì y như rằng tôi lại bị quát mắng. Những câu chửi thậm tệ của khách hàng vào tôi và ông chủ vì không thiết kế không vừa ý khiến tôi vừa ức, vừa buồn. Không chỉ vậy, những hàng xóm xung quanh nói chúng tôi như lũ vô học, vô công rồi nghề, chúng tôi nghe được cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, bỏ mặc ngoài tai. Đêm đến, mấy anh em ngồi uống rượu kể chuyện đời, mỗi người một hoàn cảnh bi ai. Tôi nghe mà ứa nước mắt. Tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người, nhiều số phận.
Sau bao tháng ngày làm việc, tôi nhận được những đồng tiền mồ hôi nước mắt đầu tiên trong cuộc đời, tôi trở về nhà đưa cho mẹ và kể những khó khăn, vất vả khi làm ra chúng, mẹ tôi không khỏi xúc động. Tôi ôm chặt mẹ và nói với mẹ rằng tôi đủ trưởng thành để có thể đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Học tập và làm việc với cường độ cao khiến tôi luôn mệt mỏi. Nhưng với sự động viên của gia đình và những lời khen ngợi của thầy cô, ông chủ và khách hàng làm tinh thần tôi trở nên lạc quan, phấn chấn, như một liều thuốc cực mạnh giúp tôi khỏe khoắn hơn.
Thời gian cứ thế trôi qua, tôi cũng dần quen với cuộc sống tự lập, với việc vừa học, vừa làm. Tôi đã trưởng thành và chín chắn hơn. Tôi vẫn đi theo con đường đã chọn. Đó là con đường của đam mê, ước mơ và khát khao tuổi trẻ. Tôi đã đỗ đại học và ra trường với tấm bằng loại giỏi cùng một tương lai tươi sáng, rộng mở. Qua câu chuyện, tôi muốn nói với các bạn trẻ một điều mà tôi nghiệm ra từ cuộc sống, đó là đừng than phiền những khó khăn đến với ta mà hãy cảm ơn nó, vì nó không phải đến để cản trở ta, mà nó giúp ta hoàn thiện bản thân để đến với những điều tốt đẹp.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Quốc Hùng