Sinh ra ở một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, tôi lớn lên theo con nước chở nặng phù sa, được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những câu hò điệu lý hay những bài vọng cổ, tứ đại oán, nam ai, phụng hoàng buồn da diết sâu lắng nỗi niềm. Người dân quê tôi ngày thì lo công việc đồng áng, tối đến mọi người quay quần bên ấm trà đờn ca tài tử để xua tan nỗi mệt nhọc lo âu của cuộc mưu sinh. Ôi người quê đôn hậu, hiền hòa, mộc mạc như tiếng đờn lời ca thấm đẫm giọt mồ hôi khó nhọc.
Tôi nghe ba kể ngày xưa ông nội đàn cò nghe mùi lắm, đêm nào ba cũng nghe ông đờn rồi ngủ lúc nào không biết, riết rồi thành thói quen nếu như đêm nào ông nội không đờn thì không tài nào ba tôi ngủ được. Cũng vì vậy mà những tiếng đờn mùi mẫn nỉ non đó đã ngấm sâu vào máu của ba. Và khi lớn một chút, ba bắt đầu tập tành mò mẫm những ngón đờn đầu tiên từ cây ghi ta phím lõm. Qua ngày tháng đam mê học hỏi, ba chơi được rất nhiều loại đàn của nhạc tài tử nam bộ như đàn gita phím lõm, đàn cò, đàn sến, đàn bầu, đàn hạ uy cầm... Ở loại đàn nào, ông cũng đờn rất hay theo nhiều người nhận xét.
Khi ba lập gia đình, tôi chào đời vậy là một lần nữa tôi cũng lớn lên bên tiếng đàn của ba và tôi cũng say mê như vốn nó đã có sẵn trong máu tôi từ khi lọt lòng. Mê là vậy, nhưng quả thật tôi thấy để đờn được là điều khó, không phải cứ thích hay say mê thì có thề đờn được. Ba cũng từng dạy học trò và cũng có nhiều người thích rất thích nhưng khi khó quá nản lòng và không học nữa. Vì cứ nghĩ là ba mình, nên tôi chắc một ngày sẽ học được ngón nghề của ông. Nhưng cuộc sống quá ngắn ngủi, khi tôi 20 tuổi, ba bệnh nặng cũng chạy chữa rất nhiều nhưng không qua khỏi. Ba mất một cú sốc tinh thần quá lớn đối với tôi, khi đó tôi đang là sinh viên năm hai của một trường cao đẳng ở thành phố.
Tôi buồn và khóc nhiều, gánh nặng mưu sinh nó vây lấy tôi. Mẹ chỉ là nội trợ, rồi thêm hai đứa em còn lứa tuổi đi học. Nhiều đêm tôi suy nghĩ trách nhiệm là con lớn trong gia đình phải gánh vác chén cơm manh áo, tôi từ từ trở thành lao động chính, trong đầu lúc nào cũng nghĩ cách kiếm tiền để lo cho mẹ và hai em. Tôi chăm chỉ học nhưng niềm say mê nghiệp đàn vẫn còn đó, nhưng mất ba mất đi lao động chính thì cuộc sống gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, chạy ăn bữa nào hay bữa đó chứ còn tiền để học đàn là ước mơ quá xa xỉ. Tôi đành xếp ước mơ lại. Tôi vừa học vừa làm thêm để trang trải học phí. Ngày tháng thiếu thốn cũng trôi qua, tôi tốt nghiệp ra trường, may mắn là xin được việc làm ngay và công việc cũng khá phù hợp với ngành đã học.
Từ đó đến nay tôi đi làm đã được tám năm và trong những năm qua lúc nào tôi cũng ước mơ đàn cháy bỏng nhưng vì tiền lương hàng tháng còn phải lo cho mẹ và các em. Vậy là ngày tháng trôi qua ước mơ ấy cũng chưa mở ra được, nhưng tôi cũng đã dần tiến gần tới ước mơ. Đến tháng 6/2013 tôi đã đăng ký vào trung tâm bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc thuộc nhạc viện thành phố và bắt đầu học đàn tranh. Mấy anh chị em làm chung nghe tôi học chỉ lắc đầu và cười, họ nói là sao không dành thời gian và tiền để học cái khác, có người hỏi là học đàn tranh để làm gì. Mọi người đâu biết rằng tôi ấp ủ ước mơ từ lúc còn là trẻ con. Không biết các bạn học đàn tranh thì sao, với tôi đàn tranh vô cùng khó bởi nó có nhiều dây (16 hoặc 21 dây), khi chơi đàn mắt vừa nhìn bài nhạc vừa nhìn dây đàn, não phải xử lý nốt nhạc, chân nhịp, ba ngón tay cái, trỏ và giữa của tay phải lướt trên từng dây, phải chính xác dây cần đàn, tay trái phải rung, nhấn, vỗ, vuốt tùy từng nốt nhạc.
Muốn một chơi một bài nhạc trọn vẹn, tôi cần phải thả hồn vào trong từng nốt nhạc, có như vậy thì người nhạc sĩ mới truyền tải hết được cái hồn của bài nhạc đến người nghe. Nếu không có cảm xúc thì chơi đàn cũng như học thuộc lòng để trả bài, đã là âm nhạc thì phải có cảm xúc. Theo tôi đàn tranh là một nhạc cụ chung của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Và tôi nghiêng về học những bài bản cổ nhạc của tài tử cải lương Nam bộ như ông nội và ba tôi ngày xưa. Những cung thương cung oán réo rắt nỉ non ấy lúc nào cũng ở trong tôi. Đến nay tôi đã đờn được những bài như lý qua cầu, đoạn khúc lam giang, lý đất giồng... tuy chưa hay nhưng tôi sẽ khổ công luyện tập. Ngoài 8 tiếng đi làm, tôi dành 2 giờ để tập đàn mỗi ngày. Dù khó cách mấy tôi vẫn kiên định với mơ ước của mình.
Tôi đang ấp ủ tiếp ước mơ trong vài năm nữa tôi sẽ mang tiếng đàn và đam mê ấy truyền lại cho các bạn trẻ, góp phần nhỏ vào việc bảo tồn gìn giữ và phát triển âm nhạc dân tộc. Tôi rất vui vì vừa qua loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tôi yêu Việt Nam, yêu mảnh đất miền Tây Nam Bộ quê tôi. Tôi tự hào vì trót đam mê và sẽ luôn thực hiện ước mơ để thỏa niềm đam mê loại hình nghệ thuật này.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Ngô Thị Kim Thoại